CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ CÚC PHƯƠNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ XÃ CÚC PHƯƠNG 1947-2010

    LỊCH SỬ

ĐẢNG BỘ XÃ CÚC PHƯƠNG

(1947-2010)

CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN

BAN THƯỜNG VỤ ĐẢNG UỶ XÃ CÚC PHƯƠNG

  

 

ĐINH DUY HẢI

ĐINH VĂN BỢ

ĐINH THÚC CHIẾN

BÍ THƯ ĐẢNG UỶ

PHÓ BÍ THƯ ĐẢNG UỶ

CHỦ TỊCH UBND XÃ

 

BAN NGHIÊN CỨU VÀ BIÊN SOẠN

 

              ĐINH VĂN XUÂN (Chủ biên)

              ĐINH CÔNG KHÔN

              BÙI THỊ ĐIỆP

              ĐINH MINH THIẾT

              ĐINH XUÂN NGUYÊN

 

                                                                        

LỜI NÓI ĐẦU

Thực hiện chỉ thị số 15/CT-TW ngày 22/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX); Thông tri số 14-TT/TU ngày 18/3/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Bình (khoá XIV); chỉ thị số 17-CT/HU ngày 13/01/2003 của Ban Thường vụ Huyện uỷ Nho Quan về việc tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu biên soạn Lịch sử Đảng bộ. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Cúc Phương lần thứ XXII về Sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ xã. Đảng uỷ xã Cúc Phương nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ thời kỳ 1947-2010 nhằm giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương hiểu và nhận thức lịch sử Đảng bộ xã có hệ thống, đầy đủ hơn. Qua đó làm cho mọi người dân trong xã càng thêm tự hào, củng cố niềm tin vào Đảng, ra sức phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, đất nước. Xác định rõ trách nhiệm, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ra sức xây dựng xã Cúc Phương giàu mạnh về mọi mặt.

Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2010) và các ngày lễ lớn của Đảng, của đất nước, quê hương, chào mừng Đại hội Đảng bộ xã Cúc Phương lần thứ XXIII. Ban chấp hành Đảng bộ xã Cúc Phương xuất bản cuốn sách lịch sử Đảng bộ thời kỳ 1947 - 2010.

Trong quá trình sưu tầm, biên soạn cuốn lịch sử Đảng bộ, ban biên tập cùng Đảng uỷ xã Cúc Phương đã nhận được sự phối hợp, giúp đỡ của các cụ lão thành cách mạng, cán bộ và nhân dân trong xã, sự giúp đỡ và chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Nho Quan, Phòng lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Ninh Bình và các ban ngành có liên quan để hoàn thành cuốn lịch sử Đảng bộ. Tuy nhiên với khả năng sưu tầm, biên soạn còn nhiều hạn chế, nhân chứng và tài liệu thu thập được còn ít, do vậy chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót.

Chúng tôi rất mong được sự góp ý, xây dựng của các đồng chí và nhân dân trong xã cùng bạn đọc gần xa.

  Ban biên tập Lịch sử Đảng bộ xã Cúc Phương.

CHƯƠNG I

ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ, KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ

XÃ CÚC PHƯƠNG

I. Đặc điểm địa lý, kinh tế - xã hội.

Xã Cúc Phương là xã vùng cao thuộc huyện miền núi Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, cách thị trấn huyện lỵ Nho Quan về phía tây 15 km.

Phía Đông giáp xã Văn Phương, xã Văn Phú huyện Nho Quan.

Phía Tây giáp xã Thành Minh và xã Thành Yên thuộc huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hoá.

Phía Nam giáp xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan.

Phía Bắc giáp xã Yên Quang của huyện Nho Quan; huyện Yên Thuỷ, huyện Lạc Sơn tỉnh Hoà Bình.

Trải qua các thời kỳ lịch sử xã Cúc Phương ngày nay đã được mang nhiều tên gọi khác nhau. Trước năm 1930, tuy dân cư sống rải rác, dân số không đông nhưng đã hình thành 2 xã. Xã Chi Cái thuộc tổng Văn Luận, gồm có 10 làng, xã Yên Bạc thuộc tổng Quỳnh Lưu có 2 làng. Lý trưởng xã Chi Cái là ông Lý Hùng. Lý trưởng xã Yên Bạc là ông Lý Nị. Năm 1930, chế độ phong kiến thực dân đã hợp nhất 2 xã này và đặt tên là xã Cúc Phương thuộc tổng Văn Luận phủ Nho Quan.

Trước năm 1930 xã Cúc Phương có 49 hộ, 205 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mường.

Cuối năm 1945 đầu năm 1946, xã Cúc Phương được đổi tên thành xã Phú Vinh. Xã Phú Vinh được mở rộng địa giới hành chính bao gồm xã Cúc Phương và một số bản của xã Kỳ Phú như: bản Ao Lươn, bản Mét, bản Kỳ Lão.

Tháng 4/1949, xã Phú Vinh chia tách 3 bản của xã Kỳ Phú, sáp nhập với một số thôn của xã Minh Đức và xã Yên Mông đặt tên là xã Quang Trung.

Đến tháng 11/1953 xã Quang Trung được tách ra thành 3 xã gồm xã Yên Quang, xã Văn Phương và xã Vinh Quang.

 Tháng 4/1965 xã Vinh Quang được đổi tên thành xã Cúc Phương cho đến nay.

Xã Cúc Phương có tổng diện tích là 11.350 ha. Sau khi Vườn Quốc gia Cúc Phương được thành lập và thực hiện việc chuyển dân ra khỏi khu quản lý Vườn Quốc gia, từ năm 1986 đến năm 1990 địa giới hành chính xã Cúc Phương được mở rộng và có sự thay đổi, Diện tích tự nhiên là 12.373,51 ha; trong đó diện tích đất canh tác là 453,81 ha; đất đồi rừng lâm nghiệp là 340 ha, diện tích núi đá, đất có đá lộ đầu là 232 ha; còn lại là diện tích rừng đặc dụng do Vườn Quốc gia quản lý.

Năm 2000 xã Cúc Phương có 10 thôn, 470 hộ, 2680 khẩu, 96% là người dân tộc Mường. Năm 2009 dân số là 3200 khẩu, 680 hộ.

Tên làng, tên xóm có sự thay đổi theo từng thời kỳ cách mạng. Sau cách mạng tháng 8/1945 Cúc Phương có 8 làng: làng Nga, làng Sấm, làng Đang, làng Mạc, làng Đồng Cơn, làng Đăn, làng Lá Mền, làng Bống.

Năm 1987 sau khi chuyển dân đợt1, 4 làng Đồng Cơn, Đăn, Lá Mền, Bống ra khỏi Vườn Quốc gia Cúc Phương quản lý, xã Cúc Phương có sự thay đổi tên làng: Làng Nga tách ra thành 3 thôn; Nga1, Nga2, Nga3. Làng Sấm tách ra thành 3 thôn; Sấm1, Sấm2, Sấm3. Bốn làng chuyển địa điểm mới lập thành 2 thôn, thôn Đồng Quân và thôn Đồng Tâm.

Năm 1990 chuyển dân đợt2 ra khỏi Vườn Quốc gia Cúc Phương gồm có 2 làng, làng Đang và làng Mạc đến địa điểm mới thành lập thôn Đồng Bót.

Năm 1994 thành lập thôn Bãi Cả gồm 34 hộ dân ở 4 thôn Sấm1, Sấm2, Sấm3 và Nga1 chuyển đến theo quyết định dãn dân của UBND tỉnh Ninh Bình.

Năm 2001 Vườn Quốc gia Cúc Phương bàn giao số hộ là cán bộ công nhân viên của Vườn đã nghỉ hưu về xã quản lý theo công văn chỉ đạo của Huyện uỷ Nho Quan thực hiện theo nghị định 51/NĐ-CP của Chính phủ.

II. Truyền thống lịch sử và con người xã Cúc Phương.

Cúc Phương là xã nông nghiệp, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, là xã vùng cao, có 96% đồng bào dân tộc Mường sinh sống, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, qua nhiều đèo cao như dốc Sườn Bò, Quèn Thạch. Trước năm 1963 dân cư đi lại bằng các đường mòn, điều kiện đi lại khó khăn, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, đời sống vật chất, tinh thần hoàn toàn cách biệt với khu vực ngoài đồng bằng. Qua các di tích khảo cổ ở hang động Người Sưa thì đất Cúc Phương là nơi cư trú của những tộc người cổ nhất Việt Nam sống cách đây 7000 – 7500 năm. Vào khoảng thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, một số dòng họ của người Mường từ tỉnh Hoà Bình và tỉnh Thanh Hoá di cư đến như: họ Bùi, họ Quách, họ Hà, họ Đinh. Một số tìm cuộc sống, một số do chạy loạn đã tụ họp về Cúc Phương để khai hoang làm ăn sinh sống, thời kỳ này được gọi là “Mường Chi cái”. Qua xác minh tìm hiểu thì dân tộc Mường đã có ở Cúc Phương từ 600 đến 700 năm, dòng họ sống lâu nhất là họ Khều, họ Chiếng, họ Trác, tuy mỗi dòng họ khác nhau nhưng khi tụ họp về Cúc Phương đều mang họ Đinh, theo các cụ kể lại nguyên nhân do dân cư còn ít nên chỉ lấy một họ để tăng tình đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng làm ăn sinh sống. Một số dòng họ khác giữ được chính họ của mình là do về Cúc Phương định cư sau cách mạng tháng Tám năm 1945. Các tên làng, tên xóm của Cúc Phương cũng chưa được xác định ai đặt tên, có từ bao giờ, nhưng qua truyền miệng thì vua Đinh Tiên Hoàng đã đi qua và đặt tên cho từng xóm, từng làng.

Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, Cúc Phương luôn là căn cứ kháng chiến do đó đã tác động đến ý thức cách mạng chống ngoại xâm của nhân dân địa phương.

Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, thực dân phong kiến không chú ý quan tâm đến việc xây dựng, mở mang đường xá, việc đi lại của nhân dân chủ yếu là trèo đèo lội suối, giao thông đi lại là những con đường mòn. Đời sống của người dân vô cùng khổ cực, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là ngô - khoai - sắn, lại phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, năm nào thời tiết khắc nghiệt thì đào củ mài, hái rau rừng ăn để sinh sống. Ruộng cấy lúa nước chủ yếu là của các nhà giàu, Lý trưởng, Lý phó, Kỳ hào. Đi theo đó là chế độ hà khắc của thực dân phong kiến, chúng đã đặt ra biết bao thứ thuế vô lý, bất công như: sưu cao thuế nặng, đẩy cuộc sống của người dân đến bước đường cùng. Nhiều người không có ruộng đất, quanh năm phải đi ở, đi cày thuê, cuốc mướn hoặc nhận ruộng cấy rẽ cho địa chủ rồi nộp tô cao thuế nặng làm cho nông dân nhiều người phải đi ở suốt đời hoặc phải cầm cố ruộng đất để trả nợ. Hết mùa đồng thời cũng hết thóc hết ngô, khoai, sắn, người dân lại phải lên rừng đốn gỗ, chặt củi, đào củ mài, hái rau để sinh sống, nhiều gia đình phải tha phương cầu thực, bỏ nơi chôn rau cắt rốn, quê cha đất tổ để tìm kế sinh nhai, có nhiều người phải đi phu, đi lính ở các đồn điền mà không có ngày trở lại. Kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, điều kiện tự nhiên khí hậu khắc nghiệt cộng với chính sách bóc lột về kinh tế, áp bức về tinh thần của thực dân phong kiến đã làm cho đời sống của người dân Cúc Phương vô cùng cơ cực, túng thiếu. Hàng năm lương thực chỉ đủ ăn khoảng 1 đến 2 tháng, còn lại hoàn toàn phải dựa vào rừng núi để kiếm sống. Đời sống văn hoá của nhân dân trước cách mạng tháng Tám rất lạc hậu, 95% dân số mù chữ, tuổi thọ bình quân thấp từ 45 - 50 tuổi, trẻ em sinh ra thường chết non. Chế độ thực dân không lo mở mang trường học, trạm xá để chăm sóc sức khoẻ, học hành cho nhân dân, chúng khuyến khích các hủ tục lạc hậu, các tệ nạn đồi truỵ như: Cờ bạc, rượu chè, khao vọng, mua quan bán tước, ma chay, cưới xin, ăn uống linh đình, mê tín dị đoan đồng bóng bói toán, hầu hết ở làng nào cũng có. Đặt ra các tục làng vô lý đồng thời lập ra các đền thờ miếu mạo, buôn thần bán thánh, bắt dân đóng góp tế lễ hàng tuần, cha già mẹ héo phải thực hiện đủ các tục lệ vô lý  mới được chôn cất. Những hủ tục lạc hậu làm cho hàng trăm gia đình đã túng thiếu lại càng túng thiếu thêm. Từ những chính sách ngu dân, chế độ hà khắc của thực dân phong kiến đã làm cho người dân Cúc Phương sống trong cảnh tối tăm không tìm ra lối thoát. Một số người phải đi phu, đi lính cho chế độ thực dân. Nạn cướp bóc lẫn nhau trong xã ngoài làng xảy ra liên miên, chúng chém giết lẫn nhau để phục vụ cho một số lý trưởng, kỳ hào, một số xưng hùng, xưng bá tự tôn là Quan Lang bắt phải tôn thờ, khao vọng, cúng nạp đất đai của cải, số khác tranh thủ lợi dụng là vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc, ánh sáng của Đảng đến chậm nên đã lấy danh nghĩa Việt Minh để tổ chức cướp của, thu thuế nặng hơn, đánh đập kìm kẹp, dùng đủ thứ nhục hình với những người dân thiếu thuế. Càng về những năm cuối của chế độ thực dân phong kiến chúng càng ráo riết vơ vét, bóc lột, cướp bóc làm cho nhân dân vô cùng căm phẫn. Mặc dù dưới chế độ hà khắc của thực dân phong kiến như vậy nhưng những nét văn hoá, bản sắc truyền thống lâu đời của người Mường Cúc Phương vẫn được nhân dân gìn giữ như Phường bùa (hát sắc bùa) hàng năm vào ngày tết nguyên đán đầu xuân, nhân dân tổ chức thành từng đoàn (gọi là Phường) dùng đủ các loại Cồng, Chiêng, đi đến từng nhà, không kể nhà giàu, nghèo, quan lang hay dân thường để hát Sắc bùa cầu chúc cho gia đình năm mới gặp nhiều may mắn. Thanh niên nam nữ gặp nhau thường tổ chức hát giao duyên (Bọ Mẹeng) hình thức hát đối đáp bằng tiếng mường, các cụ già những ngày hội, ngày tết tổ chức thi hát (Rằng Xường) là hình thức thi thố tài năng ứng xử, chắp nối, đối đáp những câu chào, chúc, khen, chê làm sao hai bên đều ăn khớp, bắt nhịp với nhau. Các trò chơi dân tộc hàng năm đều  được tổ chức từ xã đến các làng như tung còn, chơi đu, bắn nỏ, đi kà kheo, rước kiệu luôn được người dân tham gia tích cực. Trang phục nam nữ, chăn màn đều do người dân tự dệt, may theo kiểu dân tộc, các cô gái mường trong thời kỳ này đại đa số biết trồng bông, dệt vải, dệt thổ cẩm, tự sắm sửa quần áo, chăn màn, gối đệm cho bản thân và gia đình mình.

Năm 1935 nhân dân trong xã đã có chợ để trao đổi lương thực, thực phẩm gọi là chợ Nga (ở làng Nga) một số nhà giàu ở các xã như Chánh Khuyến, Chánh Tế, ở thôn Lão Cầu (Xã Văn Phú) kết hợp với các chức sắc địa phương để mở chợ đã duy trì được gần 10 năm, sau khi giành chính quyền năm 1945 do điều kiện khó khăn nên đã tan chợ từ đó đến nay.

Với tinh thần yêu nước, căm ghét bọn thống trị, bọn địa chủ phong kiến, khi có đảng lãnh đạo, nhân dân xã Cúc Phương đã một lòng đi theo Đảng, làm theo Đảng, thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, đấu tranh xoá bỏ chế độ thực dân phong kiến, mang lại ấm no, hạnh phúc. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, rừng núi luôn là căn cứ kháng chiến, là nơi khởi nguồn của nhiều cuộc kháng chiến. Cũng như vậy rừng núi Cúc Phương, người dân Cúc Phương đều có đóng góp sức người, sức của vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, thể hiện ở nhiều di tích để lại như khu mộ giặc Ngô ở Đăn, Bống, mộ của Nguyễn Đức Tâm quê ở Thanh Hà, xứ Đông là Tướng đời nhà Trần đã chiến đấu hy sinh được chôn cất tại khu làng Nga. Đền thờ làng Sấm được Vua Khải Định năm thứ 9 ban Sắc phong những vị có công với nước với dân trong các thời đại trước. Cúc Phương còn là nơi hành quân của vua Quang Trung, Vua Đinh đã vi hành và đặt tên cho từng làng. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta dưới thời đại Hồ Chí Minh, rừng núi Cúc Phương đã trở thành căn cứ kháng chiến của đất nước, nhân dân Cúc Phương giàu lòng yêu nước, yêu quê hương, cần cù lao động, anh dũng chống giặc ngoại xâm, góp phần cùng cả nước làm nên truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng.

 

CHƯƠNG II

NHÂN DÂN CÚC PHƯƠNG

 KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN,

XÂY DỰNG CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN DÂN CHỦ NHÂN DÂN

CHI BỘ ĐẢNG ĐƯỢC THÀNH LẬP LÃNH ĐẠO KHÁNG CHIẾN

CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 – 1954)

 

I. Khởi nghĩa giành chính quyền (8-1945).

Từ sau hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá I) (họp tháng 5 năm 1941) chủ trương thành lập Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc, phong trào cách mạng đã lan rộng đều khắp từ miền xuôi đến miền núi. Đầu năm 1944 Tỉnh uỷ Ninh Bình cử đồng chí Phạm Hồng Sắc về xây dựng phong trào cách mạng ở các xã miền núi trong đó có xã Cúc Phương. Đồng chí đã móc nối với các nhà chức sắc, nhà giàu, các thanh niên có xu hướng tiến bộ để xây dựng phong trào và phát động phong trào, xây dựng các tổ chức cách mạng, các hội ở nông thôn để làm cơ sở cho phong trào, thành lập lực lượng tự vệ cứu quốc ở 3 xã Cúc Phương - Minh Đức - Kỳ Phú, ông Đinh Văn Mưu quê ở làng Nga xã Cúc Phương là người đầu tiên được đồng chí Phạm Hồng Sắc giác ngộ cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Ninh Bình trực tiếp là đồng chí Phạm Hồng Sắc, phong trào cách mạng ở khu vực Kỳ Phú - Cúc phương - Minh Đức đã có nhiều chuyển biến. Phong trào quần chúng đứng lên đấu tranh với bọn địa chủ phong kiến đòi dân sinh, dân chủ ngày càng lan rộng, bọn địa chủ phong kiến, kỳ hào đã phải giảm đáng kể về tô, tức, thuế khoá, những nhà giàu, lý trưởng cũng đã bỏ bớt ruộng đất lại cho anh em họ hàng và những nhà không có ruộng đất. Một số lý trưởng, kỳ hào có hướng tiến bộ, làm cơ sở cho phong trào cách mạng như gia đình ông Lý Nị, sau này đã trở thành gia đình có công với cách mạng, ông Lý Khang, Lý Mịch đều có chuyển biến đi theo cách mạng.

Tháng 2/1944 Tỉnh uỷ mở lớp học chính trị ở chùa Đồng Dược xã Sơn Thành cho cán bộ phụ trách các thôn, xóm để nghiên cứu, học tập điều lệ và chương trình hành động của Việt Minh, đồng chí Phạm Hồng Sắc cử ông Đinh Văn Mưu và Đinh Quý Khang về dự hội nghị này. Sau khi học xong lớp huấn luyện chính trị, hai ông đã tổ chức cho một số thanh niên trong xã học tập và thành lập đội tự vệ gồm có 12 người do ông Đinh Văn Dư làm đội trưởng, ông Đinh Công Sang làm đội phó. Các thôn xóm đều lập các điếm canh để khi có Pháp, Nhật vào làng báo cho nhân dân kịp thời sơ tán. Trong thời gian này phong trào cách mạng ở xã phát triển nhanh chóng, khí thế chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa được tổ chức tập duyệt, các đoàn thể cứu quốc trong xã đều được hình thành nhanh chóng.

Cuối năm 1944 đầu năm 1945 các đoàn thể quần chúng ở Cúc Phương đã tổ chức cho một số hội viên, đoàn viên tiến bộ học tập về chủ trương chính sách, điều lệ của Việt Minh, tập luyện quân sự, hoạt động công khai.

Tháng 6/1945 đựơc sự chỉ đạo của Việt Minh huyện, khu vực Cúc Phương đã tuyên bố ủng hộ Việt Minh và tuyên bố thành lập Việt Minh xã. ông Đinh Văn Mưu được chỉ định làm bí thư Việt Minh xã, ông Đinh Văn Dư, Đinh Công Sang làm uỷ viên. Trong thời gian này phong trào cách mạng ở các xã miền xuôi diễn ra rất sôi nổi, như phá kho thóc của Nhật ở Quỳnh Lưu, Sơn Thành để chia cho dân nghèo, phát động phong trào đấu tranh với địch đòi giảm tô, giảm thuế, tổ chức lực lượng vũ trang chiến đấu với Nhật diễn ra thường xuyên ở đường 59. Đội tự vệ cứu quốc ở Cúc Phương tham gia phá kho thóc với các đơn vị ngoài đồng bằng, đồng chí Đinh Công Sang được cử làm tiểu đội trưởng, tăng cường tuần tra canh phòng ở khu vực xã. Thời kỳ này bọn Nhật thất bại nặng nề trước sự anh dũng chiến đấu của nhân dân ta, chúng lồng lộn đi lùng sục vào khu vực Cúc Phương bắt những người có xu hướng tham gia cách mạng, chúng đưa ra luận điệu tiêu diệt những người chống đối, những người lưu manh trộm cắp, nhưng thực chất là tiêu diệt những người tham gia tổ chức Cộng sản. Do được báo trước nên phần lớn cán bộ Việt Minh trong xã đã trốn thoát, chúng đã bắt được ông Bùi Văn Khụt và xử bắn tại phủ Nho Quan. Từ vụ lùng sục bắt bớ trên làm cho nhân dân trong huyện nói chung và nhân dân xã Cúc Phương càng thêm căm phẫn, tăng cường cảnh giác sẵn sàng đấu tranh chống Nhật.

Tháng 8 /1945 nhân dân xã Cúc Phương chuẩn bị lực lượng cho ngày tổng khởi nghĩa, ngày 13/8/1945 uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra “Quân lệnh số 1” phát động khởi nghĩa, sau đó xứ uỷ Bắc Kỳ ra chỉ thị khởi nghĩa, Tỉnh uỷ Ninh Bình quyết định phát động quần chúng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền, tỉnh uỷ đã chọn huyện Gia Viễn làm điểm. Sáng ngày 19/8/1945 đội giải phóng quân từ căn cứ địa cách mạng Quỳnh Lưu tiến ra chiếm huyện lỵ Gia Viễn. Cùng ngày, khi được tin huyện lỵ Gia Viễn giải phóng một số thanh niên cơ sở của ta ở thị trấn Nho Quan đã tập hợp quần chúng, trương cờ đỏ sao vàng chiếm huyện lỵ và giành được chính quyền ở Huyện Nho Quan. Sáng ngày 20/8/1945 Tỉnh uỷ Ninh Bình điều lực lượng từ Quỳnh Lưu ra giữ phủ lỵ Nho Quan, tổ chức mít tinh tuyên bố Nho Quan hoàn toàn giải phóng.

Sau cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Nho Quan, Việt Minh huyện đã chỉ đạo các xã làm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở xã. Ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh xã, lực lượng tự vệ cứu quốc do ông Đinh Công Sang làm tiểu đội trưởng chỉ huy hỗ trợ lực lượng quần chúng treo cờ đỏ sao vàng làm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền xã Cúc Phương thắng lợi. Ngày 26/8/1945 uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời xã Cúc Phương được thành lập. Ông Đinh Văn Mịch được cử làm Chủ tịch, ông Đinh Văn Mưu, Đinh Văn Dư làm uỷ viên.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 thành công. Trong 15 năm có Đảng lãnh đạo, ánh sáng của Đảng đã đến với nhân dân xã Cúc Phương tuy có chậm hơn so với nhiều địa phương khác, nhưng với tinh thần yêu nước, căm ghét chế độ thực dân phong kiến, căm thù trước sự hung hãn, tàn ác của thực dân Pháp – phát xít Nhật, nhân dân Cúc Phương đã tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng, cùng với nhân dân cả nước phấn khởi khi đất nước đã giành độc lập.

II. Xây dựng củng cố chính quyền dân chủ nhân dân (9/1945 - 12/1946).

Vào cuối năm 1945 đầu năm 1946, chính quyền cách mạng lâm thời huyện Nho Quan đã ra quyết định đổi tên xã Cúc Phương thành xã Phú Vinh, được tiếp nhận bản Ao Lươn, bản Mét, bản Kỳ Lão của xã Kỳ Phú về xã Phú Vinh. Quyết định bộ máy chính quyền cách mạng lâm thời gồm:

Ông: Đinh Quý Khang                                      Chủ tịch

Ông: Đinh Văn Mức                                         Bản  Kỳ Lão, Phó chủ tịch

Ông: Bùi Văn Thịnh                                          Bản Ao Lươn, Phó chủ tịch

Ông: Đinh Văn Hạt                                            Bản Mét, uỷ viên

Ông: Đinh Văn Dư                                            Làng Nga, uỷ viên

Uỷ ban cách mạng lâm thời xã Phú Vinh  cùng với Việt Minh tiếp tục củng cố, xây dựng các tổ chức đoàn thể quần chúng cứu quốc, như thanh niên, phụ nữ, nông hội đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt sôi nổi, đều khắp ở các thôn xóm, thi đua thực hiện các nhiệm vụ do chính quyền và Việt Minh đề ra, tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân giúp đỡ lẫn nhau ổn định cuộc sống.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà  được thành lập, chính quyền còn non trẻ, nhưng phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là nạn đói năm 1945, tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu do chế độ cũ để lại còn rất nặng nề. Trong hoàn cảnh đó hầu hết các gia đình trong xã đều thiếu ăn, đói rách, 95% người dân mù chữ. Chính quyền xã Phú Vinh cũng nằm trong tình trạng chung của cả nước, mới thành lập chưa có kinh nghiệm điều hành và quản lý. Việc tập hợp các tổ chức quần chúng nhân dân còn nhiều hạn chế, do trình độ dân trí còn thấp, nhận thức và tiếp thu chủ trương, đường lối cách mạng không đúng đắn nên một số cán bộ lâm thời mắc phải sai lầm, khuyết điểm; đã lợi dụng các chủ trương của Việt Minh đấu tranh với giai cấp địa chủ, tổ chức một số Thanh niên đi cướp bóc của cải các nhà giàu ở Thanh Hoá để phục vụ cho riêng mình. Trước tình hình đó, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời xã Phú Vinh lại được củng cố, xây dựng lại bộ máy chính quyền. Đồng chí Đinh Văn Mưu được cử làm Chủ tịch lâm thời, các tổ chức quần chúng được củng cố và bổ sung nhiều đồng chí có năng lực. Các thôn, xóm đều thành lập và cử chủ nhiệm thôn để đôn đốc nhân dân thực hiện nhiệm vụ diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, tổ chức tuần tra canh gác, bảo vệ an ninh thôn xóm. Các đoàn thể nhân dân tiếp tục hoạt động, xã bộ Việt Minh được kiện toàn do đồng chí Đinh Công Sang làm chủ nhiệm, đồng chí Đinh Văn Hắc làm phó chủ nhiệm. Đoàn thanh niên cứu quốc, hội phụ nữ cứu quốc, hội nông dân cứu quốc phát triển nhanh, các thôn xóm đều có các phân đoàn, chi đoàn, có đoàn viên, hội viên tích cực tham gia sinh hoạt và hoạt động hưởng ứng các phong trào do Đảng, chính quyền cách mạng phát động. Khí thế cách mạng ở nông thôn lúc này rất sôi nổi, mạnh mẽ, mọi người đều tự giác tham gia hoạt động.

Thực hiện chỉ thị của huyện về việc hưởng ứng cuộc vận động “Tuần lễ vàng” ủng hộ chính phủ gây “Quỹ độc lập” từ ngày 17 đến 24/9/1945, tháng 10/1945, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã tích cực tham gia quyên góp tiền của, thóc gạo ủng hộ Chính phủ.

Tháng 10 năm 1945 Đại hội Đảng bộ huyện Nho Quan lần thứ nhất đã đề ra nhiệm vụ tăng cường công tác xây dựng Đảng, tích cực phát triển đảng viên mới, xây dựng củng cố lực lượng tự vệ, vận động thanh niên gia nhập Vệ Quốc Quân, đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm, chống đói.

Thực hiện nghị quyết Đảng bộ huyện Nho Quan lần thứ nhất, nhân dân xã Phú Vinh hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng cuộc sống mới, tích cực đi học lớp “Bình dân học vụ”, xoá nạn mù chữ, ủng hộ, giúp  đỡ Chính quyền, xây dựng lực lượng dân quân du kích.

Hưởng ứng phong trào bình dân học vụ, Chính quyền xã Phú Vinh tổ chức các lớp học cho nhân dân, ở khắp thôn xóm đều có lớp học chữ quốc ngữ. Nhiều người cao tuổi gương mẫu đi học và tích cực vận động con, cháu, anh em đến lớp học, người biết chữ dạy người không biết chữ, từ đó đã dấy lên phong trào học chữ sôi nổi ở khắp mọi nơi, mọi lứa tuổi đều hưởng ứng tham gia tích cực. Chỉ sau 4 tháng, chính quyền và nhân dân xã đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ diệt giặc dốt do chính phủ đề ra,

Tháng 01 năm 1946 thi hành sắc lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 6/1/1946 nhân dân xã Phú Vinh cùng cử tri cả nước không phân biệt nam, nữ, dân tộc từ 18 tuổi trở lên, phấn khởi đi bầu cử quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tiếp đó tháng 3/1946 cử tri lại phấn khởi đi bầu cử hội đồng nhân dân xã Phú Vinh gồm 11 đại biểu, trong cuộc bầu cử đầu tiên này có 95% cử tri tham gia bỏ phiếu với tinh thần làm chủ cao nhất, đa số các cử tri đã tự tay viết được lá phiếu của mình. Cuộc bầu cử quốc hội, hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã là cuộc vân động chính trị, sâu rộng trên phạm vi cả nước. Quần chúng nhân dân được trực tiếp bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, bầu ra được những đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thành lập chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân. Niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với chính quyền ngày càng được củng cố, càng quyết tâm một lòng, một dạ đi theo Đảng, xây dựng củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng.

Cuối tháng 4/1946, hội đồng nhân dân xã đã họp phiên đầu tiên để bầu ra uỷ ban hành chính thay thế cho uỷ ban lâm thời gồm 5 uỷ viên, ông Đinh Văn Mưu được bầu giữ chức chủ tịch; ông Bùi Văn Thịnh - Đinh Văn Mức giữ chức phó chủ tịch, ông Đinh Văn Dư- Bùi Văn Hạt làm uỷ viên. Cũng trong thời gian này các tổ chức như uỷ ban bảo vệ Hội Liên Việt xã được thành lập nhằm tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, hương lý, kỳ hào chức sắc có tinh thần yêu nước đều đoàn kết chống ngoại xâm. Đến ngày toàn quốc kháng chiến (12/1946), do yêu cầu của thực tiễn cách mạng, uỷ ban bảo vệ đổi thành uỷ ban kháng chiến, song hành cùng uỷ ban hành chính.

Hơn một năm được hưởng hoà bình, từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946 dưới sự lãnh đạo của trung ương, của tỉnh, huyện, nhân dân xã Phú Vinh đã vượt qua nhiều thử thách, giành được nhiều kết quả. Chính quyền cách mạng được xây dựng và củng cố, các tổ chức cứu quốc, lực lượng dân quân du kích được kiện toàn vững mạnh, công tác sản xuất, thực hành tiết kiệm được đẩy mạnh, đời sống văn hoá, tinh thần được nâng lên, toàn dân sẵn sàng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

III- Thành lập chi bộ Đảng, kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (12/1946 - 7/1954).

Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã trắng trợn phá hoại hiệp định sơ bộ (06/3/1946) và tạm ước (14/9/1946) đã ký giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với Chính phủ Pháp, chúng nổ súng mở rộng đánh chiếm một số tỉnh ở miền Nam, miền Trung, đẩy mạnh hoạt động quân sự khiêu khích, nổ súng đánh chiếm nhiều vị trí công sở, doanh trại ở miền Bắc. Tháng 12/1946 quân Pháp đã nổ súng đánh chiếm một số vị trí ở Hà Nội - Hải Phòng.

Trước tình hình thực dân Pháp tỏ rõ dã tâm xâm lược và không thể cứu vãn được tình hình, ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người nói: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Ngày 22/12/1946 Ban Thường vụ TW Đảng ra chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập - tự do, bảo vệ thành quả cách mạng mới giành được. Thực hiện chủ trương của Đảng, lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ đảng viên, lực lượng dân quân du kích và toàn thể nhân dân xã Phú Vinh đã một lòng đoàn kết, quyết tâm chống thực dân Pháp xâm lược. Thực hiện nghị quyết của tỉnh, huyện, chính quyền và các tổ chức quần chúng của xã đã tổ chức quán triệt sâu sắc các chủ trương đó, hàng trăm lượt đoàn viên, hội viên nhân dân trong xã tham gia các cuộc mít tinh, đều thể hiện việc thực hiện các nhiệm vụ sản xuất, tăng thêm diện tích cấy lúa, phát động phong trào trồng ngô, khoai, sắn, tăng thêm lương thực, thực phẩm ủng hộ kháng chiến, xây dựng lực lượng dân quân luyện tập quân sự, thành lập trung đội du kích tập trung. động viên thanh niên hăng hái gia nhập quân đội, củng cố chính quyền cách mạng.

Sau cách mạng tháng 8/1945 ở Phú Vinh vẫn chưa xây dựng được tổ chức Đảng Cộng sản nhưng các tổ chức đoàn thể quần chúng cách mạng được thành lập là những cơ sở quan trọng để phát triển phong trào cách mạng ở địa phương. Trong các tổ chức quần chúng cách mạng có những hội viên, đoàn viên tiên tiến hăng hái tích cực hoạt động, được giác ngộ cách mạng, trở thành cán bộ cốt cán của các tổ chức cách mạng, trong số đó có 2 quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng trong năm 1947 do đồng chí Đinh Văn Xuân cán bộ huyện uỷ tổ chức kết nạp. Đồng chí Đinh Văn Mưu kết nạp vào đảng vào đầu năm 1947, đồng chí Đinh Công Sang kết nạp vào Đảng ngày 2/5/1947, sau khi kết nạp, 2 đồng chí sinh hoạt Đảng tại chi bộ Bát Cô (Chi bộ Bát Cô hay còn gọi là chi bộ Minh Đức xã Văn Phương). Trước yêu cầu của phong trào cách mạng, huyện uỷ Nho Quan cử cán bộ về xã chỉ đạo phong trào và thành lập chi bộ Đảng. Do số lượng đảng viên của xã chưa đủ để thành lập chi bộ, đảng viên phải tham gia sinh hoạt với chi bộ Bát Cô.

Tháng 10/1947 được sự chỉ đạo của huyện uỷ, xã thành lập chi bộ Phú Vinh tại nhà đồng chí Đinh Văn Mưu ở thôn Nga gồm 3 đồng chí : đồng chí Đinh Công Sang; đồng chí Đinh Văn Mưu; đồng chí Đinh Văn Xuân. (Đồng chí Đinh Văn Xuân, cán bộ Huyện uỷ người Gia Lạc - Gia Viễn, được huyện uỷ Nho Quan cử về chỉ đạo phong trào của xã, sinh hoạt Đảng với chi bộ Phú Vinh).  Đồng chí Đinh Công Sang được cử làm bí thư chi bộ. Chi bộ mới thành lập bắt tay ngay vào chỉ đạo tiếp tục xây dựng và củng cố chính quyền. đồng chí Đinh Văn Mưu được phân công phụ trách chính quyền làm chủ tịch uỷ ban hành chính kháng chiến xã, đồng chí Đinh Công Sang bí thư chi bộ phụ trách công tác mặt trận trực tiếp làm chủ nhiệm xã bộ Việt Minh, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức quần chúng, lực lượng dân quân đi vào xây dựng củng cố lựa chọn cán bộ có khả năng đưa vào phụ trách các tổ chức.

Chi bộ Đảng xã Phú Vinh được thành lập là mốc son lịch sử, đánh dấu bước phát triển lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Cúc Phương.

Hưởng ứng kêu gọi “Thi đua ái quốc” của chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào “Thi đua kháng chiến yêu nước” ở Phú Vinh phát triển mạnh mẽ sôi nổi, nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích cực hưởng ứng thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước như thuế nông nghiệp, các phong trào ủng hộ kháng chiến luôn được nhân dân tự giác thực hiện đầy đủ, ngoài ra nhân dân còn thực hiện nghiêm ngặt các phong trào phòng gian, bảo mật như phong trào ba không “Không biết, không thấy, không nghe”, luôn đề cao cảnh giác với những người lạ mặt vào thôn, xóm. Các thôn, xóm đều lập các điểm canh trạm gác, theo dõi tình hình địch.

Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh, Chi bộ, Chính quyền đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo các tổ chức quần chúng, lực lượng dân quân du kích đẩy mạnh các phong trào thi đua, tăng gia sản xuất, luyện tập quân sự, củng cố kháng chiến, chi bộ luôn coi trọng công tác phát triển đảng viên, trong năm 1948 chi bộ đã kết nạp thêm một số đồng chí vào đảng đưa số đảng viên của chi bộ lên 12 đồng chí đến tháng 12/ 1948 củng cố và bầu lại chi uỷ đồng chí Đinh Văn Mậu được bầu làm bí thư chi bộ.

Từ năm 1948 đến năm 1954 khu vực Cúc Phương luôn là cơ sở kháng chiến của nhiều cơ quan nhà nước, quân đội của tỉnh sơ tán và đặt điểm như: hậu cần quân đội tại làng Bái Dốc, trường đào tạo bồi dưỡng đảng viên  của tỉnh ở làng Sấm, trạm quân y ở làng Nga, bệnh viện ở làng Mạc. Nhân dân làng Nga, làng Sấm, làng Mạc, làng Đang đã dành hàng trăm gian nhà cho quân đội đóng quân, làm kho tàng, nhiều kho quan trọng như kho bạc, kho vũ khí, khí tài, đạn dược, quân trang, quân nhu được nhân dân giữ bí mật, Uỷ ban hành chính Kháng chiến xã đã tổ chức dân quân làm nhiệm vụ tuần tra canh gác bảo vệ làng xóm, cơ quan, kho tàng trong suốt thời gian sơ tán không bị địch phát hiện.

Trong lãnh đạo xây dựng lực lượng kháng chiến, chi bộ luôn quan tâm đào tạo bồi dưỡng đôị ngũ cán bộ. Năm 1948 - 1949 nhiều cán bộ xã được huyện đưa đi hoạt động thoát ly như các đồng chí: Đinh Hữu Nghĩa; Đinh Văn Minh; Quách Đình Tăng; Đinh Thị Em; Đinh Văn Tiếp. Hàng chục thanh niên hăng hái tòng quân gia nhập bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, hàng trăm lượt thanh niên tham gia đi dân công phục vụ các chiến dịch. Lực lượng dân quân du kích được củng cố phát triển mạnh, phối hợp cùng bộ đội tham gia phòng thủ, canh coi áp giải hàng ngàn tù binh từ xã đi Thanh Hoá không để xảy ra sơ xuất nào.

Tháng 4 năm 1949 do địa bàn quá rộng lại hoàn toàn rừng núi, hoạt động đi lại khó khăn nên uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Nho Quan cho tách xã Phú Vinh làm hai, khu vực xã Cúc Phương cũ ghép với một số thôn của xã Yên Mông, xã Minh Đức được đặt tên là xã Quang Trung, các thôn Ao Lươn, Mét, kỳ Lão về với xã Văn Phú. Uỷ ban kháng chiến hành chính xã Quang Trung gồm 9 uỷ viên, ông Đinh Văn Viết (Thôn Xuân Viên) làm chủ tịch. Ông Đinh Văn Thuận (thôn Sọng xã Văn Phương) làm phó chủ tịch. Đồng thời chi bộ Đảng xã Quang Trung được thành lập, trong đó khu vực Cúc Phương có 12 đảng viên. Đồng chí Đinh Văn Niêm (thôn Bát Cô, xã Văn Phương) làm bí thư chi bộ. Đồng chi Đinh Văn Minh (Cúc Phương) làm phó bí thư chi bộ. (1)

Tuy tách nhập xã như vậy nhưng phong trào vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Đặc biệt từ khi địch nhảy dù xuống Kim Sơn - Phát Diệm năm 1949, phong trào thi đua “Kháng chiến kiến quốc” càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp ở các thôn xóm, làng bản. Chi bộ phát động phong trào gây quỹ. Chi bộ, tổ Đảng các tổ chức thanh niên, phụ nữ, nông dân, phụ lão, nhi đồng, đều có quỹ, đều có các vườn cây, ruộng cấy để làm quỹ.

Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nho Quan lần thứ V năm 1950, chi bộ Quang Trung mở hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ, đồng thời xây dựng tổ đảng cho từng khu vực. Cúc Phương lúc này đồng chí Đinh Văn Mậu đựơc cử giữ chức tổ trưởng tổ đảng. Sau hội nghị chi bộ, chi uỷ phân công chi uỷ viên trực tiếp phụ trách chỉ đạo từng lĩnh vực công tác cụ thể, phân công đảng viên, tổ đảng chịu trách nhiệm từng công việc cụ thể về xây dựng lực lượng vũ trang, sản xuất, dân công phục vụ chiến trường, vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến vv.

Năm 1951 ta mở chiến dịch Hà Nam Ninh, tập trung đánh địch trên địa bàn ba tỉnh: Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình. Chi bộ, chính  quyền xã tổ chức nhân dân tích cực phục vụ chiến dịch, đưa đón bộ đội, nhường nhà cửa cho bộ đội đóng quân, xay lúa, giã gạo, dựng lán trại để bộ đội trú quân, vận chuyển lương thực, thực phẩm và vũ khí đạn dược đến nơi tập kết. Lúc này số đông thanh niên hăng hái gia nhập các đơn vị bộ đội. Dân quân du kích, phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tuần tra canh gác chốt giữ Quèn Thạch không cho địch tràn vào Cúc Phương. Thời kỳ này Cúc Phương có nhiều cơ quan Trung ương, quân đội trú quân, nơi tập kết của quân đội ta, đồng thời là nơi giam giữ, trung chuyển tù binh địch, có nhiều kho tàng quan trọng của ta, có bệnh viện tiền phương của quân đội, Cúc Phương có vị trí rất trọng yếu nên địch rất muốn tràn vào.   (1) Theo Lịch sử đảng bộ xã Yên Quang (1947 2005).

Tháng 8 năm 1951 thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, sắc lệnh thuế nông nghiệp của Chính phủ, Chi bộ tổ chức học tập quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã, mọi người đều nhận thức đúng đắn về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với đất nước, đối với công cuộc giải phóng dân tộc, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Mặc dù là xã rất nghèo nhưng hàng năm xã đều nộp thuế đầy đủ theo quy định của Nhà nước, nhân dân trong xã đã gánh thóc từ các thôn xóm cách huyện 20 - 30 km để đi nộp thuế. Từng thôn xóm, từng gia đình thi nhau nộp đủ, nộp nhanh, nộp thóc khô, thóc tốt cho Nhà nước. Trong thời gian này khu vực Cúc Phương luôn được cấp trên biểu dương công tác nộp thuế.

Ngày 15 tháng 10 năm 1953 quân Pháp mở cuộc càn quét quy mô lớn ra vùng tây nam Ninh Bình, chúng chiếm nhiều điểm cao trên đường 59 tiến sâu vào nhiều làng, xã của huyện Nho Quan. Địch càn quét vào các điểm trọng yếu, cho xe tăng phá hoại mùa màng của nhân dân. Khu vực Cúc Phương lúc này là căn cứ lớn của quân đội, đặc biệt số lượng dân ở xã Văn Phú tản cư vào xã rất đông, các kho tàng lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược lại tiếp tục đưa vào khu vực Cúc Phương. Lúc này Chi bộ xã Quang Trung họp và ra Nghị Quyết giúp đỡ đồng bào tản cư dành nhà cửa cho Nhà nước và Quân đội làm kho tàng, đề ra phương án để nhân dân tản cư vào nơi an toàn. Đợt càn quét của địch lần này có ảnh hưởng trực tiếp đến người, của cải, vật chất của nhân dân trong xã. Địch cho máy bay bắn phá, oanh tạc hàng chục lần vào làng Nga, làng Đang, làng Sấm, làng Đăn. Trong đợt oanh tạc của địch đã làm cháy hoàn toàn làng Đang, làm bị thương và chết nhiều dân thường. Ngoài việc địch dùng máy bay oanh tạc, đánh phá, chúng còn bắn hàng trăm quả đại bác vào khu vực làng Nga làm hư hỏng nhiều nhà cửa, tàn phá vườn tược, làm bị thương và chết một số dân tản cư. Ngày 1/11/1953 địch càn quét tấn công vào Nho Quan lần 2, chia làm 2 cánh quân, một cánh từ đồi 94 qua Thường Sung, đi Mống, Lá về thị trấn Nho Quan. Địch định vượt qua đường mòn Quèn Thạch, song chúng đã bị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích chặn đánh quyết liệt ngăn không cho tràn vào khu vực Cúc Phương qua đường Quèn Thạch.

Ngày 29 tháng 11 năm 1953 xã Quang Trung được chia tách thành 3 xã, khu vực Cúc Phương được đổi tên là xã Vinh Quang. Sau khi tách khỏi xã Quang Trung xã Vinh Quang tiếp tục được duy trì và củng cố. Tổ chức Đảng, Chính quyền và các đoàn thể đi vào hoạt động có nề nếp. Chi bộ mở Đại hội bầu ban chi uỷ, đồng chí Đinh Văn Mậu tiếp tục được bầu làm bí thư chi bộ, đồng chí Đinh văn Tiếp được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính xã Vinh Quang, chi bộ phân công đảng viên phụ trách các đoàn thể quần chúng như nông hội, phụ nữ, thanh niên, làm tốt công tác vận động quần chúng nên được đông đảo đoàn viên, hội viên tiếp tục hoạt động, ủng hộ kháng chiến. Đặc biệt sau giảm tô phong trào tổ đổi công phát triển nhanh, hầu hết thôn xóm nào cũng thành lập tổ đổi công, phong trào “Bình dân học vụ” được duy trì đều đặn, thu hút nhiều lứa tuổi tham gia học tập. Chính quyền tham gia mở mang lớp học phổ thông cho con em trong xã được đến lớp, lớp học phổ thông đầu tiên được mở tại làng Nga, từ đó phong trào giáo dục của xã được phát triển.

Sau chiến thắng Tây Nam Ninh Bình, bước vào chiến dịch Đông Xuân năm 1953 -1954 tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, cán bộ đảng viên xã Vinh Quang đã hăng hái tham gia phục vụ chiến dịch. Hàng trăm lượt dân công lên đường, nhiều đồng chí đảng viên được cử đi hướng dẫn dân công của xã, phục vụ chiến dịch Đông Xuân, chiến dịch Điện Biên Phủ với hàng ngàn ngày công vận chuyển lương thực, đạn dựơc, làm lán trại kho tàng, tải đạn, cứu thương, nhân dân xã Vinh Quang đã đóng góp một phần sức người, sức của cùng nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy khắp năm châu.

 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơ-Ne-Vơ, kết thúc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương, lập lại hoà bình. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Dân tộc ta thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng,

Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Vinh Quang vinh dự và tự hào đã đóng góp phần không nhỏ trong sự nghiệp đấu tranh, cùng toàn Đảng, toàn dân cả nước làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng.

CHƯƠNG III

ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

VÀ KHÁNG CHIẾN CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC, TIẾN HÀNH CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (1954 - 1975).

I - Hàn gắn vết thương chiến tranh, ốn định sản xuất và đời sống (1954 - 1965)

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta cực kỳ gian khổ, đã kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đưa cách mạng Việt Nam sang giai đoạn mới. Miền Bắc bước vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, ở miền Nam đế quốc Mỹ nhảy vào, dựng nên chính quyền tay sai thống trị, nhân dân ta tiếp tục đấu tranh để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Hoà bình lập lại nhân dân xã Vinh Quang vui mừng, phấn khởi tuy là một xã không bị địch tàn phá nhiều, nhưng những ảnh hưởng của chiến tranh không phải là nhỏ, đã để lại biết bao khó khăn trở ngại, ruộng đồng bị bỏ hoang hoá, nhà cửa vườn tược, làng xóm đều để lại vết tích bom đạn, nông cụ sản xuất thiếu thốn, nhiều gia đình thiếu lương thực, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Giữa lúc đó đế quốc Mỹ và bọn tay sai bán nước mở chiến dịch tuyên truyền dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào giáo dân di cư vào Nam gây mất ổn định chính trị, hòng làm suy yếu lực lượng cách mạng, gây nhiều khó khăn cho việc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong thời gian này, xã Vinh Quang có ông Đặng Hữu Nghĩa (Tức Đinh Hữu Nghĩa) ở làng Nga đang làm công tác ở Huyện đội, được Huyện uỷ cử xuống Kim Sơn làm nhiệm vụ vận động đồng bào giáo dân không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ địch.

Nhân dân xã Vinh Quang trải qua thực tiễn những năm chiến tranh giành chính quyền. Đặc biệt trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được Đảng giác ngộ chỉ đường, nhân dân đã hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước chống xâm lược. Nhân dân trong xã lại phát huy truyền thống đoàn kết phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm đi theo Đảng xây dựng quê hương giàu mạnh .

Thấy được những khó khăn trước mắt của nhân dân, Chi bộ, Chi uỷ lãnh đạo, chỉ đạo Chính quyền và các đoàn thể nhân dân tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, qua học tập cán bộ đảng viên và nhân dân nhận thức rõ nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Trước mắt tập trung cho nhiệm vụ diệt giặc đói, Chi bộ phát động toàn dân tập trung cao độ cho sản xuất nông nghiệp, khai hoang phục hoá, tu sửa mương bai, quai đập. Toàn dân đã hăng hái tham gia phong trào khai hoang phục hoá do Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh phát động, chỉ sau một thời gian nhân dân đã khai hoang được hàng chục mẫu ruộng đưa vào sản xuất. Tập trung hàng trăm ngày công làm thuỷ lợi, đào mương lấy nước nên vụ mùa năm 1955 đã gieo cấy hết diện tích, trồng thêm nhiều ngô, khoai, sắn từ đó đời sống nhân dân dần được ổn định.

Đi đôi với phong trào đẩy mạnh sản xuất, Chi bộ lãnh đạo các đoàn thể quần chúng tích cực củng cố xây dựng chi đoàn, chi hội đi vào hoạt động, các hoạt động văn hoá xã hội được Chi bộ quan tâm lãnh đạo, thực hiện tốt các chính sách hậu phương quân đội, chính sách đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, duy trì củng cố các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hoá.

Bộ máy Chính quyền từ xã đến các làng xóm được củng cố và kiện toàn, do vậy mọi hoạt động ở xã đã dần đi vào nền nếp. Chi bộ quan tâm công tác xây dựng củng cố tổ chức Đảng và phát triển đảng viên, các chế độ sinh hoạt Chi uỷ, Chi bộ, tổ Đảng được tăng cường. Do đặc điểm là xã miền núi có địa bàn rộng, đảng viên ít, lại sống phân tán ở các làng xóm, Chi uỷ hoạt động chủ yếu thông qua các tổ Đảng, mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương đều được thực hiện nghiêm túc ngay từ làng, xóm do vậy những khó khăn dần được khắc phục, quần chúng nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Quán triệt đường lối cách mạng do Đảng đề ra, thực hiện chủ trương làm cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng giai cấp nông dân thoát khỏi sự áp bức bóc lột của giai cấp địa chủ, biến khẩu hiệu “Người cày có ruộng” thành hiện thực. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện uỷ Nho Quan, xã Vinh Quang tiến hành cuộc cải cách ruộng đất trong toàn xã, đa số người cày đã có ruộng nhưng vẫn còn ít ỏi, đại đa số ruộng đất vẫn còn nằm trong tay các nhà giàu.

Thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất của Đảng, tháng 8 năm 1955 Huyện uỷ cử đội cải cách ruộng đất về xã thâm nhập vào các tầng lớp bần nông nghèo khổ, phát động quần chúng đấu tranh thực hiện cải cách. Sau khi được học tập chủ trương chính sách cải cách ruộng đất, nông dân rất phấn khởi và tin tưởng, không khí cách mạng sôi nổi ở tất cả các làng xóm, nông dân đoàn kết hăng hái đấu tranh chống lại giai cấp địa chủ, giành lại ruộng cấy, trâu cày. Kết quả trong 8 tháng cải cách Chính quyền cách mạng đã tịch thu hầu hết ruộng đất, trâu bò, tài sản của địa chủ chia cho nông dân không có ruộng  hoặc thiếu ruộng .

Khẩu hiệu “Người cày có ruộng” mà Đảng đề ra từ năm 1930 nay đã trở thành hiện thực, người nông dân làm chủ 95% diện tích canh tác, giai cấp nông dân đã trở thành người chủ ruộng đồng, hoàn toàn được tự do quyết định cuộc sống của mình.

Tuy nhiên xã Vinh Quang cũng nằm trong tình trạng chung của cả nước trong quá trình cải cách ruộng đất đã phạm phải một số khuyết điểm sai lầm, quy sai thành phần giai cấp đối với một số hộ trong đó có hộ trung nông hoặc trung nông lớp trên. Có một số bị quy sai là thành phần phú nông địa chủ, thành phần bóc lột hoặc có liên quan với đế quốc phong kiến, các đảng phái phản động. Từ chỗ quy sai thành phần, giai cấp dẫn đến oan sai, phân biệt đối xử, nghi kỵ, hiểu lầm, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không khí nông thôn trở nên nặng nề.

Đặc điểm xã Vinh Quang là xã dân tộc, miền núi vùng cao, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, dân trí thấp không có các đồn điền trang trại, ít nhà giàu, nhưng khi tiến hành cải cách, Đội chưa nhìn nhận rõ tình hình, đặc điểm, phong tục tập quán của địa phương mà chạy theo thành tích, phải tìm cho được địa chủ dẫn đến vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, mặt khác sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, cấp uỷ, đảng viên được kết nạp từ năm 1947-1948-1949 đều bị quy sai  là Quốc dân Đảng bị đưa ra khỏi Đảng do vậy càng dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng.

Sau khi phát hiện được những sai lầm khuyết điểm trong cải cách ruộng đất, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 10 khoá II và Hồ Chủ Tịch gửi thư đến đồng bào cả nước, kêu gọi cán bộ, đảng viên nhân dân bình tĩnh kiên quyết sửa chữa sai lầm.

Thực hiện Nghị quyết 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng và quán triệt thư kêu gọi của Hồ Chủ Tịch các chỉ thị của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ, xã Vinh Quang tiến hành sửa sai từng bước, thận trọng. Chi bộ đảng và các đoàn thể lại tiếp tục học tập quán triệt chủ trương chính sách sửa sai của Đảng, Nghị quyết của Chi bộ và tổ chức sửa sai, vừa lấy lại uy tín trong Đảng, vừa tập trung sản xuất nâng cao đời sống cho nhân dân.

Tháng 10/1956 đội công tác sửa sai của Tỉnh, Huyện về xã phối hợp với Chi bộ, Chính quyền xem xét cụ thể từng trường hợp, thảo luận đối chiếu chính sách, thực hiện nghiêm minh không để lại sai lầm lần thứ hai. Trong số 9 hộ trong xã bị quy sai là địa chủ, phú nông, cường hào đều được hạ thành phần và được đền bù thoả đáng theo chính sách của Nhà nước.

Tháng 4/1957 toàn xã đã hoàn thành sửa sai, những người bị xử trí oan sai được minh oan, phục hồi danh dự, chức vụ, phục hồi đảng tịch cho 12 đồng chí bị quy sai. Chi uỷ được kiện toàn, đồng chí Đinh Thi Em được cử làm bí thư Chi bộ, đồng chí Đinh Văn Tiếp được khôi phục chức vụ Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã, các tổ chức hành chính xã như nông hội, phụ nữ, thanh niên, được củng cố kiện toàn, tình đoàn kết làng bản dần dần trở lại bình thường, nông dân lại phấn khởi hăng hái thi đua phát triển kinh tế - xã hội.

Hưởng ứng chiến dịch diệt giặc dốt năm 1956 xã Vinh Quang tổ chức các lớp bình dân học vụ, các lớp bổ túc văn hoá cho các đối tượng là cán bộ xã, thôn,  thanh niên, phụ nữ còn trong độ tuổi. Uỷ Ban hành chính xã tổ chức các lớp học phổ thông cấp I cho con em trong xã, Chi bộ quan tâm xây dựng phong trào y tế bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, phát động phong trào “Ăn chín uống sôi, vệ sinh phòng bệnh”, phong trào văn hoá văn nghệ được khơi dậy.

Bên cạnh các phong trào văn hoá - xã hội, phong trào tổ đổi công đưa nông dân vào làm ăn tập thể cũng được nông dân từng bước hưởng ứng mạnh mẽ. Sau cải cách ruộng đất, nông dân phấn khởi trước phong trào tổ đổi công. Năm 1957 hầu hết các làng xóm trong xã đều hình thành các tổ đổi công giúp nhau làm ăn, tình đoàn kết thôn xóm, làng bản được đầm ấm hơn. Kết quả của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mang lại cho nhân dân nhiều quyền lợi, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ mới do vậy họ càng ra sức phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Trong nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, nhân dân băn khoăn về “Con đường làm ăn tập thể” trong giai đoạn đầu tiến hành cải tạo kinh tế nông nghiệp đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy thành công bước đầu của các tổ đổi công đã chứng tỏ tinh thần tập thể của nông dân rất cao, có tác dụng lớn trong sản xuất nông nghiệp, làm cho nông dân phấn khởi hưởng ứng chủ trương hợp tác hoá của Đảng.

Thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành TW Đảng khoá II, các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với kinh tế nông nghiệp, tháng 6 năm 1959 xã Vinh Quang tiến hành triển khai học tập quán triệt chủ trương chính sách của Đảng, chuẩn bị điều kiện để thành lập hợp tác xã  nông nghiệp. Ngay trong thời gian này Chi uỷ đã tổ chức hội nghị đảng viên toàn xã để quán triệt các Nghị quyết của TW Đảng, của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ về chủ trương biện pháp, kế hoạch, từng bước và từng thời gian xây dựng hợp tác xã  nông nghiệp. Chi bộ mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, làm cho mọi cán bộ đảng viên và nhân dân quán triệt sâu sắc nhận thức đúng đắn, đầy đủ về xây dựng hợp tác xã nông nghiệp đưa nông dân vào làm ăn tập thể là việc làm cần thiết. Trong thời gian này không khí nông thôn xã Vinh Quang sôi nổi nông dân phấn khởi, tích cực tham gia học tập, thảo luận tranh luận về vấn đề “Giữa hai con đường, tập thể hay cá thể, đi lên chủ nghĩa xã hội hay tư bản chủ nghĩa”, 100% cán bộ đảng viên, 90 – 95 % nhân dân tham gia học tập. Sau đợt học tập các gia đình đều tự nguyện làm đơn xin vào hợp tác xã, đưa hết ruộng đất trâu bò, nông cụ sản xuất vào hợp tác xã để làm ăn tập thể. Sau khi nhận đủ hồ sơ của nông dân, Chi bộ họp để đánh giá tình hình thực tế của từng làng bản, nơi nào tổ chức trước, nơi nào tổ chức sau và dự kiến các đồng chí làm chủ nhiệm hợp tác xã, Chi uỷ chỉ đạo lần lượt thành lập 6 hợp tác xã, hợp tác xã Nga do ông Đinh Văn Hắc chủ nhiệm, hợp tác xã Sấm do ông Đinh Văn Linh chủ nhiệm, hợp tác xã Đang do ông Đinh Văn Cởi chủ nhiệm, hợp tác xã Đồng Cơn do ông Đinh Văn Dịch chủ nhiệm, hợp tác xã Đăn do ông Đinh Trí Thuật chủ nhiệm, hợp tác xã Bống do ông Đinh Văn Kểnh làm chủ nhiệm.

Bên cạnh xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, Chi bộ đảng, Chính quyền đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng hợp tác xã tín dụng, hợp tác xã mua bán. Đến cuối năm 1960 đầu năm 1961 có 75 - 80% số hộ nông dân tham gia tự nguyện xin vào hợp tác xã tín dụng và hợp tác xã mua bán. Hợp tác xã tín dụng tạo điều kiện cho xã viên, đoàn viên, hội viên vay vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng. Hợp tác xã tín dụng do đồng chí Đinh Văn Khận làm chủ nhiệm.

Hợp tác xã mua bán đã phục vụ cho xã viên và nông dân trao đổi, mua bán hàng nông sản, tạo điều kiện thuận lợi để cung cấp các mặt hàng cần thiết cho nhân dân như: mắm, muối, dầu thắp sáng. Nhân dân có đủ điều kiện để tập trung vào sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã mua bán do đồng chí Đinh Văn Hắc làm chủ nhiệm.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ về thành lập Đảng bộ xã, Chi bộ tổ chức cho đảng viên học tập quán triệt chỉ thị, kế hoạch thành lập Đảng bộ xã của cấp trên, chuẩn bị các điều kiện về công tác tổ chức.

 Ngày 7/3/1960 Huyện uỷ Nho Quan Quyết định thành lập Đảng bộ xã Vinh Quang gồm 42 đảng viên. Đảng bộ tổ chức 6 chi bộ theo đơn vị hành chính thôn, xóm phù hợp với điều kiện sinh hoạt cụ thể của địa phương (Chi bộ thôn Nga ; Chi bộ thôn Sấm; Chi bộ thôn Đang; Chi bộ thôn Đồng Cơn; Chi bộ thôn Đăn; Chi bộ thôn Bống). Tháng 10/1960 Đại hội Đảng bộ xã Vinh Quang được tổ chức tại thôn Đang (nhà ông Tởi). Dự Đại hội có 42 đảng viên. Đại hội đã bầu ra 7 đồng chí uỷ viên Ban chấp hành, đồng chí Đinh Minh Tởi được bầu làm bí thư đảng uỷ, đồng chí Đinh Văn Ngọc được bầu làm phó bí thư đảng uỷ phụ trách chính quyền. Ngay sau Đại hội, Đảng uỷ đã phát động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, lập nhiều thành tích chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của Đảng của đất nước, chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ xã Vinh Quang lần thứ nhất.

Tháng 9/1961 thực hiện Nghị quyết của Huyện uỷ, Tỉnh uỷ, Đảng bộ xã Vinh Quang đã tiến hành cuộc vận động chỉnh huấn đảng viên, nội dung quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội Đảng  toàn quốc lần thứ III, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII. Nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm.

Sau học tập cán bộ đảng viên đều nêu cao nhận thức về tình hình thực hiện nhiệm vụ cách mạng mới, xác định vai trò, vị trí, trách nhiệm của đảng viên trong sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên được nâng cao. Song song với công tác chỉnh huấn đảng viên, Đảng uỷ cũng tập trung xây dựng củng cố các đoàn thể nhân dân, làm cho đoàn viên, hội viên nhận thức sâu sắc những nhiệm vụ của Đảng đã được đề ra trong Nghị quyết. Cũng trong thời gian này Đảng bộ quan tâm chỉ đạo xây dựng trường cấp I tập trung tại thôn Nga và chủ trương xây dựng mỗi thôn một lớp để cho  các cháu có điều kiện đến lớp học.

Năm 1962 Vườn Quốc gia Cúc Phương được thành lập, địa giới được quy hoạch gồm có 6 thôn của xã nằm gọn trong Vườn Quốc gia là: thôn Mạc, Đang, Đồng Cơn, Đăn, Mền, Bống.

Năm 1963 xã Vinh Quang có đường giao thông chạy suốt từ đầu xã đến cuối xã, nhân dân thuận tiện đi lại, lưu thông, trao đổi hàng hoá, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên.

Trong thời gian này, tình hình kinh tế - xã hội được giữ vững, an ninh - quốc phòng được tăng cường, số lượng công nhân viên chức Vườn Quốc gia Cúc Phương, công nhân khai thác, công nhân làm đường cư trú vào xã rất đông, có hàng nghìn người, nhân dân trong xã đã tạo điều kiện cho cơ quan, công nhân có chỗ ăn nghỉ. Tuy người đông, phương tiện lao động nhiều nhưng tình hình an ninh vẫn được giữ vững, tình đoàn kết giữa cơ quan Vườn Quốc gia Cúc Phương với nhân dân trong xã ngày càng gắn bó mật thiết, giúp đỡ nhau trên nhiều lĩnh vực.

Từ ngày thành lập hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng, Chi uỷ, Đảng uỷ đã chỉ đạo các hợp tác xã tập trung sản xuất, kinh doanh, làm cho tình hình kinh tế của xã được ổn định, các hợp tác xã đã huy động hàng trăm ngày công tham gia làm thuỷ lợi với huyện, thành lập các đội chuyên ở từng hợp tác xã, đời sống nhân dân được nâng lên từng bước, nhiều hộ mua được xe đạp, đài (radio). Trong thời gian này, các Chi bộ, các hợp tác xã vừa sản xuất vừa bắt đầu tiến hành quản lý, vận động xã viên vào hợp tác xã, củng cố kiện toàn ban quản lý, đội sản xuất, từng bước nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các xã bạn để khi xã đi vào xây dựng quy mô hợp tác xã liên thôn hoặc toàn xã không bị bỡ ngỡ. Các hợp tác xã đã phát huy được thế mạnh thúc đẩy sản xuất từng bước phát triển, bảo đảm diện tích, năng xuất sản lượng góp phần ổn định và từng bước cải thiện đời sống xã viên.

Tháng3/1965 Hội đồng nhân dân xã Vinh Quang đề nghị Uỷ ban hành chính Huyện, Tỉnh và Chính phủ cho xã Vinh Quang đổi tên là xã Cúc Phương. Cũng trong thời gian này đường chiến lược từ ngã ba Đồng Phong được mở vào Cúc Phương nối liền Cúc Phương đi Trại Ngọc nên hầu hết các thôn trong xã đều có đường giao thông chạy qua.

Đảng bộ xã Cúc Phương lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng và củng cố Chính quyền, trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cử tri hăng hái tham gia đi bầu cử luôn đạt từ 95% trở lên. Những cán bộ, đảng viên, quần chúng tiên tiến được mặt trận tổ quốc giới thiệu đều trúng cử vào Hội đồng nhân dân các cấp. Có nhiều cán bộ, đảng viên được Đảng và nhân dân tín nhiệm, nhiều kỳ bầu cử đều được mặt trận tổ quốc giới thiệu. Hoạt động của Hội đồng nhân dân xã - Uỷ ban hành chính xã đạt hiệu quả cao, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý xã hội, tổ chức nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh mọi chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

10 năm (1955 – 1965) thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến hành cải cách ruộng đất, cải tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhân dân xã Vinh Quang đã vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện giao, xây dựng được hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tín dụng, hợp tác xã mua bán, sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định, hoàn thành kế hoạch, diện tích, năng xuất, sản lượng, đời sống vật chất cũng như tinh thần nhân dân xã Vinh Quang được nâng lên rõ rệt hơn. Các hoạt động văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng đạt kết quả cao, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và y tế. Bộ mặt nông thôn tiến bộ rõ rệt, đó là những điều kiện thuận lợi để Đảng bộ và nhân dân xã Cúc Phương thực hiện nhiệm vụ cách  mạng trong giai đoạn tiếp theo.

II - Đảng bộ lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, tăng cường chi viện cách mạng miền Nam (1965 - 1975)

Sau thất bại của chiến lược chiến tranh Đặc biệt, năm 1965 đế quốc Mỹ mở cuộc “Chiến tranh cục bộ” ồ ạt đưa lính vào miền Nam, đồng thời dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” Ngày 5/8/1964 chúng đã dùng máy bay, tầu chiến đánh phá miền bắc nước ta, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, hậu phương lớn tới tiền tuyến miền Nam.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 20/7/1965 và Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ, Đảng bộ xã Cúc Phương tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị trong Đảng, trong nhân dân để quán triệt sâu sắc các nội dung Nghị quyết của Đảng, nhằm nâng cao nhận thức về nhiệm vụ mới, xác định quyết tâm cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các khoá đều nêu quyết tâm  “Trong bất kỳ tình huống nào, Đảng bộ và nhân dân Cúc Phương đều hoàn thành nhiệm vụ, trước mắt đẩy mạnh sản xuất, củng cố xây dựng hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa , cùng nhân dân miền Bắc xây dựng vững chắc hậu phương lớn. Làm chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho tiền tuyến miền Nam, vừa sản xuất vừa chiến đấu phục vụ chiến đấu quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, hoàn thành nghĩa vụ chi viện sức người, sức của cho chiến trường”.

Đảng bộ xã Cúc Phương quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Đảng bộ với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Từ đó lãnh đạo các ngành, các thôn xóm kịp thời chuyển hướng hoạt động cho phù hợp với thời chiến. Đảng uỷ chỉ đạo Uỷ ban hành chính xã tổ chức tốt việc phòng không nhân dân, xây dựng phương án chiến đấu, bảo vệ tính mạng nhân dân, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa .

Các hợp tác xã nông nghiệp tiếp tục xây dựng và củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất, năm 1967 xã Cúc Phương tiếp tục thực hiện cải tiến quản lý hợp tác xã, đưa hợp tác xã nhỏ từng thôn thành hợp tác xã liên thôn để từng bước làm ăn theo quy mô toàn xã, lúc này xã thành lập ba hợp tác xã :

1- Hợp tác xã Nga - Sấm gồm thôn Nga và thôn Sấm do đồng chí Đinh Văn Khái làm chủ nhiệm.

 2- Hợp tác xã Đang - Mạc gồm: thôn Đang và thôn Mạc do đồng chí Đinh Văn Tỵ làm chủ nhiệm.

3- Hợp tác xã Xuân Phương gồm 4 thôn Đồng Cơn, Đăn -  Mền - Bống do đồng chí Đinh Văn Dương làm chủ nhiệm.

Các hợp tác xã xây dựng đội thuỷ lợi, tích cực tham gia đi đắp đê tập trung với Huyện, hàng năm đều hoàn thành tốt các chỉ tiêu nộp thuế nông nghiệp, cung cấp thịt lợn hơi cho nhà nước. Trong thời gian chống Mỹ, mỗi khẩu hằng năm phải làm nghĩa vụ với nhà nước từ 3 -5 kg thịt  Lợn hơi, nhìn chung các hợp tác xã đều thực hiện tốt nghĩa vụ đối với nhà nước.

Song song với việc sáp nhập thành hợp tác xã liên thôn, Đảng bộ đã có chủ trương cho sáp nhập chi bộ theo đơn vị hợp tác xã từ 6 chi bộ còn 3 chi bộ: Chi bộ Nga- Sấm do đồng chí Đinh Văn Long làm bí thư; Chi bộ Đang - Mạc do đồng chí Đinh Văn Tám làm bí thư; Chi bộ Xuân Phương do đồng chí Đinh Văn Ngọc làm bí thư.

Từ năm 1965 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt hơn, hưởng ứng phong trào thi đua do Huyện uỷ Nho Quan phát động “150 ngày chiến đấu và sản xuất” Từ ngày 25 tháng 5 đến ngày 15 tháng 10 năm 1965 xã Cúc Phương dấy lên phong trào thi đua sản xuất, chiến đấu phục vụ chiến đấu với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đã trở thành hành động, lẽ sống của mỗi người dân trong xã. Mặc dù trong điều kiện kinh tế đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhà nước thường xuyên phải trợ cấp, nhưng với quyết tâm không thiếu thuế, không thiếu thực phẩm để đóng góp cùng cả nước cung cấp cho bộ đội ăn no, đánh thắng. Hàng năm xã Cúc Phương đóng góp với nhà nước từ 7 đến 12 tấn thóc, từ 3 đến 5 tấn thịt lợn hơi. Mọi tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước, các cụ phụ lão lo việc nhà, phụ nữ với phong trào “Ba đảm đang”, thanh niên hăng hái đăng ký ghi tên khám tuyển nhập ngũ, sẵn sàng lên đường ra chiến trường đánh Mỹ. Nhiều thanh niên chưa đến tuổi nhập ngũ đã tình nguyện xung phong với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Trong 10 năm từ 1965 - 1975 Cúc Phương đã có 105 thanh niên gia nhập quân đội năm nào cũng hoàn thành chỉ tiêu giao quân, nhiều gia đình có từ 2 đến 3 con nhập ngũ, có nhiều tấm gương thanh niên chưa đến tuổi đã viết đơn tình nguyện xin gia nhập quân đội để trực tiếp đánh Mỹ. Phụ nữ Cúc Phương hăng hái thi đua phong trào “Phụ nữ ba đảm đang” thay chồng, thay con tích cực lao động sản xuất làm ra nhiều lúa gạo, động viên chồng con, người thân lên đường đi chiến đấu.

Cùng với lãnh đạo sản xuất, Đảng bộ còn trú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng không nhân dân, Uỷ ban hành chính xã chỉ đạo ban chỉ huy xã đội, lực lượng dân quân hướng dẫn nhân dân đào hầm, phòng tránh bom đạn, gia đình nào cũng có hầm trú ẩn ở trong nhà hoặc ngoài vườn, trên dọc đường, xung quanh thôn xóm đều có hệ thống hầm hào. Những nơi công cộng các trường, lớp học phổ thông được tổ chức phân tán, các phòng học đều đắp thành cao đảm bảo cho các cháu học tập. Tính chung trong xã đã đào được hàng trăm hầm tránh bom đạn, hàng nghìn mét giao thông hào, xã có đội cơ động trực chiến, xây dựng trận địa phòng không, các hợp tác xã tổ chức vọng gác phòng không, kịp thời báo động cho nhân dân để phòng tránh, dân quân du kích thường xuyên luyện tập sẵn sàng bắn trả máy bay Địch, đánh giặc đổ bộ đường không, đánh biệt kích, tham gia đi bắt phi công Mỹ bị bắn rơi ở khu vực rừng Cúc Phương. Năm 1967 dưới sự chỉ huy của huyện đội Nho Quan, du kích xã và tự  vệ Vườn Quốc gia Cúc Phương đã phối hợp với lực lượng dân quân các xã giáp danh hợp đồng tác chiến không để cho  máy bay Mỹ lấy được xác phi công.

Trong thời gian từ năm 1966 - 1972 xã Cúc Phương lại là nơi quân đội tập trung vũ khí đạn dược, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm, là nơi tập kết, trạm giao liên, nhân dân lại nhường nhà cửa, vườn tược cho bộ đội, các kho của bộ đội không quân được tập kết trên đất Cúc Phương. Trường trung học lâm nghiệp, Bộ lâm nghiệp sơ tán về Cúc Phương xây dựng trường, lớp có hàng nghìn học sinh, sinh viên, cán bộ giáo viên, Đảng bộ ra Nghị quyết phải hết sức giúp đỡ quân đội, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên đứng chân trên địa bàn xã. Trong thời gian này Cúc Phương cũng bị vài lần máy bay oanh tạc nhưng không xảy ra thương vong cho người, đảm bảo an toàn của cải của quân đội cũng như của nhân dân. Tuy nhiên trong thời gian này trên địa bàn huyện địch đánh phá rất ác liệt gây nhiều thương vong, thiệt hại cho nhân dân ta, tính riêng 6 tháng đầu năm 1966 chúng đã ném 2.500 quả bom, bắn hơn 950 quả rốc két làm chết 154 người bị thương 200 người (Riêng tháng 8/1966 làm chết 57 người, bị thương 61 người) mặc dù chiến tranh ác liệt, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Cúc Phương không nao núng, càng nêu cao quyết tâm cùng nhân dân trong huyện đoàn kết thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng địa phương, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu chi viện cho chiến trường với ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Quán triệt thực hiện sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ, Đảng bộ xã Cúc Phương lãnh đạo nhân dân tích cực lao động sản xuất không kể ngày đêm, bất chấp hoạt động của máy bay Mỹ. Trong lãnh đạo sản xuất và chiến đấu Đảng bộ đặc biệt trú trọng công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên. Trong thời gian này, hàng chục quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng, đưa chế độ sinh hoạt ở Chi uỷ, Chi bộ, tổ đảng được đều đặn. Đảng tổ chức học tập chính trị, chỉnh huấn trong Đảng nâng cao nhận thức, xác định vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, của đảng viên, thực hiện cuộc vận động xây dựng chi bộ bốn tốt, đảng viên bốn tốt theo chỉ thị số 144- CT/TW ngày 10/3/1967 của Bộ chính trị. Qua sơ kết, bình xét có 2/3 chi bộ đạt bốn tốt, 60% là đảng viên tốt (Cuối năm 1967, Đảng bộ xã có 3 chi bộ, tổng số 58 đảng viên).

Cũng trong thời gian này Đảng uỷ cũng xét đưa một số đồng chí đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Là xã miền núi dân tộc có nhiều khó khăn, Cúc Phương còn một số lĩnh vực hoạt động yếu, đạt hiệu quả thấp, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, trình độ quản lý hợp tác xã còn non yếu, vai trò lãnh đạo chưa sâu sát, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên chưa được nêu cao. Tuy vậy Đảng bộ Cúc Phương luôn được Huyện uỷ đánh giá là Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Mùa xuân năm 1968 quân và dân miền Nam tiến hành cuộc tổng tiến công nổi dậy “Tết Mậu thân”, quân dân miền Bắc đã bắn rơi hơn 300 máy bay, bắn chìm, cháy nhiều tàu chiến Mỹ, buộc chính phủ Mỹ phải tuyên bố ngừng bắn phá miền Bắc không điều kiện. Bộ chính trị TW Đảng ra Nghị quyết “Tranh thủ thời gian tạm thời hoà bình, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, đảm bảo yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”.

Thực hiện Nghị quyết TW, Nghị quyết Tỉnh uỷ và Nghị quyết Đại hội huyện Nho Quan lần thứ XIII, tháng 10 năm 1969, Đảng bộ xã Cúc Phương mở Đại hội lần thứ IX.

 Đại hội tổng kết công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, đảng uỷ nhiệm kỳ 1967 – 1969. Đại hội thông qua phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, củng cố hợp tác xã nông nghiệp, phát triển sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và chi viện miền Nam. Nghị quyết đại hội nhấn mạnh cần tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cấy hết diện tích. Tập trung hai mũi nhọn là lương thực và thực phẩm, các hợp tác xã giữ vững, tăng nhanh đàn trâu, đàn lợn, đảm bảo sức kéo cho hợp tác xã và đảm bảo thực phẩm để làm nghĩa vụ đối với Nhà nước. Các mặt văn hoá - xã hội vẫn được duy trì, an ninh quốc phòng được củng cố và tăng cường, chuẩn bị mọi điều kiện để đối phó với địch. Đại hội xác định công tác xây dựng Đảng có vị trí quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, văn hoá và củng cố quốc phòng ở địa phương.

Đảng bộ tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, xây dựng Đảng bộ vững mạnh. Đại hội bầu Đảng uỷ mới gồm 7 uỷ viên. Đồng chí Đinh Văn Ngọc được bầu làm Bí thư Đảng uỷ. Thời gian này, đồng chí Đinh Minh Tởi làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã.

Trong khi nhân dân xã Cúc Phương đang cùng cả nước hăng hái thi đua lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam thì ngày 2/9/1969 chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của Đảng, của dân tộc ta từ trần để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lòng tiếc thương vô hạn, đây là một tổn thất to lớn của Đảng, của dân tộc ta. Đảng bộ xã Cúc Phương tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã với hàng nghìn người về dự lễ. Đảng bộ và nhân dân trong xã cũng như nhân dân cả nước hứa quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, biến đau thương thành hành động cách mạng, Đảng uỷ phát động toàn đảng, toàn dân thi đua thực hiện Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh trên nhiều lĩnh vực, sản xuất, chiến đấu, học tập, dấy lên phong trào “Đời đời nhớ ơn Bác”. Trong những năm này sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi ở Cúc Phương có nhiều tiến bộ và phát triển, năng suất, sản lượng lương thực ổn định, chăn nuôi được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Trách nhiệm  nghĩa vụ đóng góp sức người, sức của đối với Nhà nước năm nào cũng hoàn thành kế hoạch, các chỉ tiêu thuế nông nghiệp, thực phẩm, nghĩa vụ quân sự đều đạt, có nhiều năm vượt chỉ tiêu trên giao.

Bị thất bại nặng nề ở chiến trường miền Nam, đồng thời lợi dụng sự thương đau mất mát của dân tộc ta, tháng 4/1972 đế quốc Mỹ lại tiến hành đánh phá miền Bắc. Từ ngày 16/5/1972 máy bay Mỹ ném bom bắn rốc két đánh phá ở Ninh Bình, nhiều mục tiêu kinh tế, quân sự, văn hoá, kể cả trường học, bệnh viện, khu dân cư trên địa bàn tỉnh đều bị chúng oanh tạc.

Thực hiện chỉ thị của TW Đảng, Nghị quyết Tỉnh uỷ, Đảng bộ xã Cúc Phương tiến hành mở đợt sinh hoạt chính trị cho toàn thể cán bộ, đảng viên và toàn dân quán triệt tình hình nhiệm vụ mới. Qua đợt học tập, cán bộ đảng viên và nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn tiến hành chiến tranh của đế quốc Mỹ, thấy được những khó khăn trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nhận thức yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, xác định quyết tâm “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi” trong bất cứ tình huống nào cũng phải giữ vững sản xuất, sẵn sàng chiến đấu đánh thắng kẻ địch, hoàn thành nhiệm vụ chi viên cho miền Nam, quyết tâm cùng cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Lúc này Đảng uỷ chỉ đạo, lãnh đạo mọi hoạt động kinh tế xã hội nhanh chóng chuyển hướng cho phù hợp với tình hình thời chiến, tránh tổn thất do địch gây ra ở mức thấp nhất.

Trong tình hình chiến tranh phá hoại ác liệt của địch diễn ra liên tục ở miền Bắc, Đảng uỷ vẫn lãnh đạo nhân dân địa phương hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh bại chiến tranh kiểu mới “Việt Nam hoá chiến tranh” và cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc lần thứ 2 bằng chiến thắng “Điện Biên Phủ” trên không, buộc chính phủ Mỹ phải ký kết hiệp định Pa-Ri về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam ngày 27/01/1973.

Sau hiệp định Pa-ri, tháng 1/1973 miền Bắc trở lại hoà bình, nhân dân tập trung sản xuất hàn gắn vết thương chiến tranh. Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành TW Đảng lần thứ 22 (khoá III) nhấn mạnh nhiệm vụ của miền Bắc trong giai đoạn mới, đoàn kết toàn dân, đấu tranh giữ vững hoà bình, đẩy mạnh ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất; cách mạng khoa học kỹ thuật; cách mạng tư tưởng và văn hoá. Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững mạnh, nâng cao cảnh giác sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, ra sức làm tròn nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất nước nhà.

Từ năm 1973 -1975 phong trào thanh niên trong xã tình nguyện nhập ngũ xung phong vào Nam chiến đấu diễn ra sôi nổi, năm nào tuyển quân cũng đạt và vượt chỉ tiêu, đặc biệt là năm 1975 là năm thanh niên xã Cúc Phương lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu đông nhất so với những năm trước (19 thanh niên) đồng thời Đảng bộ lãnh đạo thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, anh em thương binh, bệnh binh gia đình liệt sĩ, gia đình bộ đội được các cấp uỷ Đảng, chính quyền đoàn thể quan tâm, chăm sóc giúp đỡ bảo đảm đầy đủ, đúng chính sách, chế độ quy định của Nhà nước. Ngoài việc chi viện cho chiến trường miền Nam, Đảng uỷ còn trú trọng xây dựng củng cố lực lượng dân quân, làm tốt công tác quân sự địa phương, tổ chức huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo đảm quân số, đáp ứng yêu cầu làm nhiệm vụ và sự điều động của cấp trên.

Song song với việc lãnh đạo sản xuất chiến đấu, văn hoá giáo dục an ninh quốc phòng, Đảng uỷ không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, thực hiện chỉ thị 192 của Ban Bí thư, nghị quyết và chỉ thị của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ, Đảng bộ Cúc Phương tiến hành đợt sinh hoạt chính trị cho đảng viên. Qua học tập, tập thể, cá nhân đã kiểm điểm sâu sắc những khuyết điểm tồn tại, từ đó nâng cao về nhận thức, đề cao tính Đảng, ý thức tổ chức kỷ luật, vai trò trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, vai trò của cấp uỷ, chi uỷ, chi bộ được xác định đúng đắn và rõ ràng hơn. Thể hiện rõ trong các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân xã, các kỳ đại hội Đảng bộ, đại hội các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng, cán bộ đảng viên đều được nhân dân tín nhiệm bầu với số phiếu rất cao, lòng tin của quần chúng nhân dân đối với các tổ chức Đảng, cán bộ đảng viên ở Cúc Phương thực sự là hạt nhân lãnh đạo, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân trong xã.

Cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975 đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng 30/4/1975, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhân dân xã Cúc Phương vô cùng phấn khởi và tự hào đã đóng góp  sức người, sức của cùng đất nước, làm tròn nghĩa vụ trách nhiệm với miền Nam ruột thịt, cùng nhân dân cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước. Thống nhất tổ quốc, nhân dân Nam Bắc xum họp một nhà. Thực hiện được bài thơ chúc tết của Bác năm 1969:                        

“ Năm qua thắng lợi vẻ vang.

Năm nay tuyền tuyến chắc càng thắng to.

Vì độc lập, vì tự do.

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.

Tiến lên chiến sỹ đồng bào.

Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn’’.

Cúc Phương là xã vùng cao có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, đời sống vật chất cũng như tinh thần còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của với tinh thần cao nhất đối với đất nước. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giành độc lập dân tộc, xã Cúc Phương đã đóng góp 165 Lượt thanh niên lên đường nhập ngũ; 15 liệt sĩ ; 21 thương binh; 1 gia đình có công với cách mạng; 13 gia đình được Chủ tịch nước tặng thưởng huy chương; 330 người được tặng thưởng huân, huy chương các loại và nhiều phần thưởng.

Hơn 20 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã góp phần vào cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, cán bộ đảng viên, nhân dân xã Cúc Phương đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, luôn nâng cao tinh thần đoàn kết nhất trí giữ vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đã không ngừng vươn lên trong sản xuất, xây dựng và chiến đấu, bảo vệ thành quả cách mạng giành được nhiều thành tích quan trọng. Tổ chức Đảng ngày càng được xây dựng, củng cố vững mạnh về cả chính trị, tư tưởng và tổ chức xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng, lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, qua các giai đoạn lịch sử cách mạng của đất nước.

Những đóng góp của nhân dân trong xã tuy nhỏ nhưng đã thể hiện sự quyết tâm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tô thắm thêm ngọn lửa truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Cúc Phương, có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc đối với các thế hệ người dân Cúc Phương tin tưởng, phấn khởi, đoàn kết tiến lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

CHƯƠNG IV

ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO KHÔI PHỤC KINH TẾ, PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ, XÃ HỘI

(1976-1985)

I- ổn định sản xuất và đời sống nhân dân (1976-1980).

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của nhân dân ta đã đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Chiến thắng mùa xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, cả nước hoà bình, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cuối năm 1975 Quốc hội (khoá V) ra nghị quyết hợp nhất 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Hà thành lập tỉnh Hà Nam Ninh. Tháng 4 năm 1976 cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội (khoá VI) Quốc hội nước Việt Nam thống nhất giành thắng lợi là niềm vui lớn của nhân dân cả nước. Tháng 12 năm 1976 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (họp tại Hà Nội) tổng kết quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức phong trào cách mạng của nước ta trong gần 50 năm (1930-1976) và quyết định đường lối cách mạng trong thời kỳ mới: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa .

Từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 10 năm 1976 Đảng bộ huyện Nho Quan họp Đại hội đại biểu lần thứ 16 vòng I đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm (1975-1976). Đại hội khẳng định: Phong trào hợp tác hoá tiếp tục được củng cố, ngày càng hoàn thiện, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường và phát huy tác dụng tốt, nhất là thuỷ lợi. Toàn huyện vượt qua “cửa ải” “Bốn mươi ba tạ thóc/ha/năm; thuốc lá vượt chỉ tiêu một ngàn tấn”. Đã cải tiến một bước quản lý kinh tế nông nghiệp từ cơ sở theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện chỉ thị và kế hoạch tổ chức Đại hội đảng bộ cơ sở của Huyện uỷ Nho Quan, đầu tháng 9 năm 1976 Đảng bộ xã Cúc Phương họp Đại hội lần thứ XII. Dự đại hội có 56 đảng viên đang sinh hoạt ở 3 Chi bộ (theo đơn vị kinh tế hợp tác xã nông nghiệp). Đây là kỳ đại hội đầu tiên sau khi đất nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội đánh giá kết quả, ưu điểm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ XI (1974-1976). Đại hội đề ra mục tiêu phát triển kinh tế xã hội những năm 1976 -1978: diện tích cấy lúa mùa 70 mẫu, cấy lúa chiêm 20 mẫu, lúa nương 105 mẫu. Diện tích ngô 240 mẫu, bông 12 mẫu. Năng suất bình quân 400 kg/mẫu, bình quân lương thực đầu người 180 kg/ người. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sắp xếp, bố trí cán bộ cốt cán trong các đội sản xuất, ban quản trị hợp tác xã. Tích cực quy hoạch, cải tạo đồng ruộng khai hoang, phục hoá theo hướng sản xuất lớn. Quan tâm  đẩy mạnh xây dựng trường học, trạm xá. Nghị quyết đại hội nhấn mạnh xây dựng hệ thống chính trị. Đảng bộ, Chi bộ duy trì nền nếp sinh hoạt hằng tháng, tích cực học tập chính trị, văn hoá, nâng cao trình độ lý luận và nghiệp vụ, đáp ứng vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng. Phấn đấu trên 70% Chi bộ đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh, trên 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Xây dựng bộ máy chính quyền, các đoàn thể quần chúng vững mạnh.

Đại hội đã bầu Đảng uỷ mới (Khoá XII) gồm 9 uỷ viên. Đồng chí Đinh Minh Tởi được bầu làm bí thư đảng uỷ, đồng chí Đinh Khoa Thi được bầu làm phó bí thư đảng uỷ. Sau Đại hội Đảng uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở địa phương. Tiến hành củng cố, kiện toàn các hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức Đại hội xã viên, bầu Ban quản lý, Ban kiểm soát hợp tác xã, đội trưởng sản xuất và cán bộ chuyên môn của các hợp tác xã.

Hợp tác xã Nga Sấm tổ chức 2 đội sản xuất do đồng chí Đinh Văn Khái làm chủ nhiệm.

Hợp tác xã Đang Mạc tổ chức 2 đội sản xuất do đồng chí Đinh Văn Tỵ làm chủ nhiệm.

Hợp tác xã Xuân Phương tổ chức 3 đội sản xuất do đồng chí Đinh Thanh Niên làm chủ nhiệm.

Các hợp tác xã tập trung chỉ đạo sản xuất xây dựng kế hoạch và định mức lao động, xây dựng sân kho, vật tư, công điểm; kế hoạch phân chia điều chỉnh lại ruộng đất cho phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của xã, các hợp tác xã phát động phong trào đồng khởi thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến quân vào chiến dịch Hà Nam Ninh; hợp tác xã Nga Sấm là đơn vị dẫn đầu xây dựng được 10 gian nhà kho cấp 4 và sân phơi diện tích gần 2000 m2 ở hai đội sản xuất. Hưởng ứng phong trào thi đua, các hợp tác xã nông nghiệp hăng hái lao động quyết tâm “vượt khoán”, đặc biệt lực lượng đoàn viên thanh niên làm nòng cốt đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đưa giống mới vào sản xuất. Ban chấp hành đoàn xã đảm nhận giống lúa nông nghiệp 22 cấy thử nghiệm trên diện tích 700 m2 ruộng bậc thang ở thôn Nga 2, tiến hành bằng các biện pháp kỹ thuật. Kết quả thử nghiệm đã có hiệu quả, do vậy từ cuối năm 1977 đầu năm 1978 sản xuất nông nghiệp ở Cúc Phương đã có chuyển biến tích cực, tiến bộ hơn những năm trước, kinh tế phát triển khá, đời sống ổn định nhân dân phấn khởi.

Năm 1978 Đảng bộ xã Cúc Phương họp Đại hội lần thứ XIII, đánh giá kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ, Đảng uỷ trong thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII (nhiệm kỳ 1976 -1978). Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của xã những năm 1978 -1980. Nghị quyết Đại hội nhấn mạnh: Tập trung sản xuất lương thực đảm bảo tiêu dùng trong địa phương, đẩy mạnh làm thuỷ lợi nội đồng, quy hoạch đồng ruộng, từng bước đưa cơ giới vào sản xuất, chú trọng công tác xây dựng Đảng và các hoạt động trong lĩnh vực văn hoá xã hội.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ (khoá XIII) gồm 9 uỷ viên, đồng chí Đinh Khoa Thi được bầu làm bí thư, đồng chí Bùi Văn Thân được bầu làm phó bí thư đảng uỷ phụ trách chính quyền là Chủ tịch uỷ ban nhân dân xã. Sau đại hội Đảng uỷ chỉ đạo các hợp tác xã huy động các nguồn lực tập trung giải quyết vấn đề lương thực, trước hết đẩy mạnh xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã Nga Sấm huy động xã viên thực hiện chương trình cải tạo đồng ruộng, khai hoang diện tích đất mầu, thuê máy cày về làm đất trồng ngô với diện tích trên 7 ha bao gồm thung Đin, thung Bương, thung Mát, đồng thời các hợp tác xã đã cung ứng trên 10 tấn phân đạm phục vụ sản xuất vụ mùa. Các hợp tác xã tiến hành quy hoạch thuỷ lợi nội đồng, đào mương đắp đập để đưa nước vào đồng ruộng, đồng thời cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn, đường xóm. Xây dựng 6 nhà kho và sân phơi ở 2 hợp tác xã Đang Mạc và Xuân Phương (20 gian nhà kho, 2600m2sân phơi) để phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Trong thời gian này, Đảng uỷ chỉ đạo các hợp tác xã cùng với các ngành vận động xây dựng các công trình phúc lợi xã hội tại địa phương, trong năm 1978 hoàn thành xây dựng 3 phòng học cấp II, đủ bàn ghế cho 300 học sinh cấp I và cấp II (học 2 ca).

Năm 1978 sản xuất nông nghiệp gặp thời tiết rét đậm kéo dài, bão lụt làm cho năng xuất, sản lượng lúa, ngô giảm, bình quân mức ăn thấp dưới 10 kg/người/tháng, đời sống nhân dân gặp khó khăn lớn. Đảng bộ xã lãnh đạo tập trung khắc phục hậu quả bão lụt, tiến hành sản xuất, trồng cây mầu lương thực nhằm cứu đói trước mắt và chống đói lâu dài. Các hoạt động lĩnh vực văn hoá xã hội được duy trì và đẩy mạnh. Năm 1977 - 1980 ngành giáo dục giữ vững và phát triển cả số lượng và chất lượng.

Tháng 01 năm 1977 Bộ chính trị ra Nghị quyết số 14/NQ-TW về “Cải cách giáo dục”, đến năm học1979-1980 trường phổ thông cấp I và trường phổ thông cấp II hợp nhất thành trường phổ thông cơ sở (hệ 7 năm) thu hút trẻ em từ 6 tuổi đến 15 tuổi đến trường. Phong trào học bổ túc văn hoá được duy trì, phát huy, cán bộ xã, hợp tác xã đều học xong chương trình văn hoá cấp II. Ngành y tế cử cán bộ đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, trạm y tế chú trọng công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, thực hiện tây y kết hợp với đông y trong điều trị. Đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện vệ sinh phòng bệnh, vì vậy ở Cúc Phương thời gian này không sảy ra dịch bệnh.

Quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ, Huyện uỷ về công tác quốc phòng, an ninh, Đảng bộ xã Cúc Phương thường xuyên tiến hành các cuộc họp tuyên truyền về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới, công tác quân sự được chú trọng. Các đơn vị dân quân được củng cố, kiện toàn học tập chính trị và huấn luyện quân sự, sẵn sàng chiến đấu. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Tháng 2 năm 1979 xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía bắc nước ta. Thực hiện chỉ thị của Bộ chính trị, Đảng uỷ đã lãnh đạo công tác xây dựng và rèn luyện lực lượng vũ trang xã, lực lượng dân quân được duy trì từ 10% đến 12% dân số toàn xã, thanh niên hăng hái khám tuyển và tình nguyện lên đường bảo vệ tổ quốc, vì vậy xã giao quân cho các đơn vị bộ đội hoàn thành chỉ tiêu 100% chất lượng tân binh được đảm bảo.

Quán triệt tinh thần các Nghị quyết 22, 23, 24 của Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện Nghị quyết của tỉnh uỷ Hà Nam Ninh, huyện uỷ Hoàng Long về công tác xây dựng Đảng, hằng tháng Đảng uỷ xã họp kiểm điểm trách nhiệm tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và cá nhân từng đảng uỷ viên về phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo, tính tiền phong gương mẫu, đạo đức lối sống và trong việc hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao. Bí thư chi bộ họp với Đảng uỷ mỗi tháng 2 kỳ, sinh hoạt Chi bộ mỗi tháng 1 kỳ, Đảng bộ một năm họp 2 kỳ. Đầu năm 1980, Đảng uỷ quyết định thành lập Chi bộ trường học, nâng tổng số lên 4 chi bộ. Kết quả phân xếp loại cuối năm có hơn 60% số đảng viên được tập thể chi bộ và cấp uỷ xếp loại I. số đảng viên xếp loại yếu giảm xuống còn dưới 10%, có 2/4 chi bộ đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện chỉ thị số 83 ngày 26 tháng 11 năm 1979 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IV) về việc phát thẻ đảng viên, Đảng uỷ xã tổ chức học tập quán triệt chỉ thị, tiến hành kiểm điểm đánh giá xếp loại đảng viên. Năm 1980 Đảng bộ đã tiến hành tổ chức phát thẻ đảng viên. Đợt 1 ngày 19 tháng 5 năm 1980 phát thẻ cho 25 đảng viên (37% đảng viên trong đảng bộ), đợt 2 ngày 2 tháng 9 năm 1980 phát thẻ cho 12 đảng viên (18%), số đảng viên còn lại chưa được phát thẻ (30 đảng viên) được các chi bộ, cấp uỷ giúp đỡ tu dưỡng rèn luyện để được phát thẻ trong năm 1981.

Trong thời gian từ năm 1975 đến năm 1980 tuy gặp nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về thời tiết xấu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhưng kinh tế - xã hội ở Cúc Phương nhìn chung vẫn giữ được nhịp độ phát triển. Cán bộ đảng viên đoàn kết, thống nhất, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, sản xuất nông nghiệp phát triển đã làm thay đổi tiến bộ nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên do năng lực và trình độ quản lý, điều hành tổ chức sản xuất của cán bộ hợp tác xã nông nghiệp còn nhiều yếu kém dẫn đến nhiều thiếu sót, khuyết điểm. Thực hiện khoán việc tăng theo công điểm dẫn đến tình trạng xã viên muốn làm nhanh, làm ẩu chất lượng thấp. Tình trạng đó làm cho giá trị ngày công lao động thấp, xã viên nảy sinh tư tưởng ỷ lại vào tập thể. Xã viên tự khai hoang, trồng cấy để có thu nhập ngay cho gia đình, tình trạng phá rừng phát nương, làm rẫy để trồng lúa nương, trồng sắn diễn ra phổ biến trong các thôn. Trước tình hình đó đòi hỏi Đảng bộ, Đảng uỷ, hợp tác xã phải thay đổi cách nghĩ, cách làm để củng cố và duy trì phát triển sản xuất ở địa phương.

II- Củng cố quan hệ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội (1981-1985)

          Thực hiện kế hoạch 5 năm xây dựng phát triển kinh tế - xã hội (1981-1985), trong hoàn cảnh thiên tai liên tiếp sảy ra, nền kinh tế kém phát triển, sản xuất trì trệ, lạm phát tăng nhanh, đời sống nhân dân tiếp tục bị giảm sút. Trong điều kiện kinh tế xã hội của đất nước còn nhiều yếu kém, Đảng ta tìm tòi hướng đi để giải quyết những vướng mắc, bế tắc trong quản lý kinh tế, trong đường lối, chính sách phát triển kinh tế ở nước ta. Ngày 20 tháng 9 năm 1979 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IV) đã họp hội nghị lần thứ 6 đề ra ba nhiệm vụ cấp bách.

          - Đẩy mạnh sản xuất, ổn định và bảo đảm đời sống nhân dân “Làm cho sản xuất bung ra”.

          - Tăng cường quốc phòng an ninh, sẵn sàng chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ tổ quốc.

          - Kiên quyết đấu tranh khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế xã hội, nhất là tệ ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng.

          Ngày 13 tháng 1 năm 1981 Ban bí thư Trung ương Đảng (khoá IV) ban hành chỉ thị số 100 CT-TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp với tinh thần, nội dung cơ bản điều chỉnh một phần quy mô hợp tác xã nông nghiệp, tăng lợi ích cho người lao động, chủ động khai thác tiềm năng, giải phóng sức lao động. Được Huyện uỷ chỉ đạo, Đảng uỷ xã Cúc Phương tổ chức đợt sinh hoạt chính trị học tập, quán triệt chỉ thị 100 của Ban bí thư Trung ương Đảng trong toàn Đảng bộ và xã viên các hợp tác xã. Đồng thời Đảng uỷ chỉ đạo các hợp tác xã xây dựng kế hoạch sản xuất năm 1981; phương án phòng chống bão lụt, hạn hán, tăng năng suất sản lượng lúa, ngô và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Do có sự đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, xã viên được giao ruộng khoán, phát huy tính năng động tự chủ trong sản xuất, tăng cường đầu tư vốn, giống, nhân lực, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện 3 khoán, 3 khâu tới đội sản xuất (khoán việc, khoán sản phẩm, khoán ngày công; khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch). Các hợp tác xã chịu trách nhiệm 5 khâu (làm đất, thuỷ lợi, giống, phân bón, bảo vệ thực vật). Các hợp tác xã gieo trồng vụ xuân năm 1982 vượt diện tích kế hoạch. Cả xã gieo cấy vụ xuân đạt 528,3 mẫu (190,2 ha) trong đó diện tích ngô 309 mẫu; sắn 159 mẫu; lạc 12,4 mẫu; bông 11,4 mẫu; lúa chiêm 20,6 mẫu; rau đậu, khoai lang 15,9 mẫu; đàn trâu 220 con; đàn bò 130 con; tổng đàn lợn trong các hộ gia đình có từ 400 đến 450 con.

          Năm 1982 thực hiện sự chỉ đạo của Huyện uỷ Hoàng Long, Đảng bộ xã Cúc Phương tiến hành đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng trong toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã. Đảng uỷ đánh giá tình hình địa phương trong những năm 1976 - 1980 triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ, Huyện uỷ về chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, giải phóng sức lao động “Làm cho sản xuất bung ra” nhất là từ năm 1981 triển khai thực hiện chỉ thị 100 của Ban bí thư Trung ương Đảng về sản xuất nông nghiệp, nhìn chung tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân rất phấn khởi, càng hăng hái lao động sản xuất, củng cố, tăng cường lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên đứng trước tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sau sự kiện sảy ra chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc nước ta, một số người (Có cả đảng viên) tỏ ra hoang mang dao động. Một số người quá tập trung lo sản xuất kinh tế gia đình mà bỏ bê công tác xã hội, công việc hợp tác xã, cá biệt có người thiếu tin tưởng vào chủ trương kinh tế mới của Đảng. Trước tình hình đó Đảng bộ họp ra Nghị quyết lãnh đạo đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng nhằm ổn định tình hình tư tưởng, xác định nhiệm vụ chính trị cho cán bộ đảng viên, động viên nhân dân củng cố, giữ vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh chống tư tưởng bảo thủ, cục bộ, bản vị, chống thói lười học tập, phát ngôn tuỳ tiện thiếu xây dựng, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các đoàn thể quần chúng.

          Tháng 10 năm 1982 đảng bộ xã Cúc Phương tổ chức Đại hội lần thứ XIV (nhiệm kỳ 1982-1984) tham dự Đại hội có 65 đảng viên (Cuối năm 1981 đảng bộ có 67 đảng viên sinh hoạt ở 4 chi bộ (3 chi bộ hợp tác xã, 01 chi bộ trường học). Đại hội đánh giá kết quả đạt được những năm 1980-1982 và những yếu kém, khuyết điểm của Đảng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong trào cách mạng ở địa phương.

Đại hội nhấn mạnh: Chỉ thị 100 của Ban bí thư Trung ương Đảng về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong nông nghiệp được tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của xã viên, nông dân.

Đại hội nghiêm túc kiểm điểm những khuyết điểm, thiếu sót của Đảng bộ, Đảng uỷ trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. sản xuất nông nghiệp phát triển chưa vững chắc, diện tích ruộng cấy lúa chưa được mở rộng (cả xã có 80 mẫu lúa mùa, 20 mẫu lúa chiêm). Công tác giáo dục chính trị tư tưởng chưa được thường xuyên, còn có cán bộ đảng viên thiếu gương mẫu, vi phạm điều lệ Đảng. Công tác phát triển đảng viên mới chưa đạt chỉ tiêu đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII đề ra (Năm 1980 -1981 không kết nạp được đảng viên mới).

          Đại hội bầu ra Đảng uỷ mới gồm 9 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 3 đồng chí. Đồng chí Đinh Công Khôn được Đảng uỷ tín nhiệm bầu làm Bí thư đảng uỷ, đồng chí Đinh Khoa Thi phó Bí thư đảng uỷ Chủ tịch uỷ ban nhân dân xã, đồng chí Đinh Công Tự uỷ viên thường vụ phụ trách công tác kiểm tra của Đảng.

          Triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, Đảng uỷ chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, Ban quản trị hợp tác xã nông nghiệp, các Chi bộ tập trung làm thuỷ lợi nội đồng, cải tạo đồng ruộng, đẩy mạnh sản xuất. Trong 3 năm 1982-1984 đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch về diện tích, năng suất, sản lượng và đóng góp với Nhà nước.

Tuy vậy năng xuất, sản lượng các loại cây trồng tăng chậm, các hợp tác xã và xã viên chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, còn mang nặng tính quảng canh, sản xuất nông nghiệp theo phong tục tập quán cũ (đậm hốc tra hạt) chưa chuyển đổi được giống mới nên năng suất không cao, bình quân lương thực và định mức ăn hằng tháng thấp.

          Năm 1984 Trường Trung học lâm nghiệp rừng Trung ương của Bộ lâm nghiệp chuyển địa điểm mới. Toàn bộ diện tích đất, cơ sở vật chất của nhà trường, nhà ở của cán bộ công nhân viên chức được bàn giao lại cho xã quản lý và sử dụng (bao gồm 1 hội trường làm việc; 60 gian nhà ở cấp 4, 20 phòng học). Thời gian này Đảng uỷ họp, thống nhất ra nghị quyết tập trung xây dựng cơ sở vật chất.

Đảng uỷ, uỷ ban nhân dân xã phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương vận động nhân dân các thôn nằm sâu trong Vườn Quốc gia tự nguyện chuyển đến nơi ở mới trên diện tích đất và nhà ở xã được bàn giao.

Được sự chỉ đạo của Huyện uỷ, phòng giáo dục Huyện Hoàng Long, xã Cúc Phương cho chuyển Trường phổ thông cơ sở cấp I và cấp II về địa điểm mới, tiếp nhận 20 phòng học của trường trung học lâm nghiệp để lại, đồng thời xây mới 9 gian nhà công vụ cho giáo viên.

          Năm học 1984-1985 Trường phổ thông cơ sở Cúc Phương đã vượt qua khó khăn, củng cố xây dựng trường lớp, vận động học sinh trong độ tuổi đến trường, vì vậy cuối năm học nhà trường vẫn đạt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 90%, đỗ tốt nghiệp đạt trên 95%, hạn chế tỷ lệ học sinh bỏ học.

          Đầu năm 1985 Đảng uỷ, uỷ ban nhân dân xã Cúc Phương phối hợp với ban Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương tuyên truyền, vân động các hộ dân nằm sâu trong Vườn Quốc gia chuyển đến địa điểm mới, bước đầu tập trung tuyên truyền các hộ là cán bộ đảng viên gương mẫu thực hiện. Kết quả đã có 18 hộ tự nguyện chuyển đến nơi ở mới, các hộ đều được hưởng chính sách hỗ trợ của Vườn Quốc gia và của xã như hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ lương thực trong 6 tháng đầu, được chia đất, hỗ trợ giống vốn để sản xuất, ổn định đời sống. Cuối năm 1985 Đảng uỷ quyết định thành lập Chi bộ mới lấy tên là Chi bộ Xuân Tiến. Đồng chí Đinh Công Ty được chỉ định làm Bí thư chi bộ, đồng thời cho thành lập hợp tác xã nông nghiệp, đặt tên là hợp tác xã Xuân Tiến do đồng chí Đinh Thanh Niên làm chủ nhiệm.

          Song song với lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất, củng cố tổ chức hoạt động ở cơ sở phát triển kinh tế, Đảng bộ chú trọng công tác củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang xã. Lực lượng dân quân tập trung cơ động của xã thường xuyên đảm bảo quân số, trang bị vũ khí sẵn sàng chiến đấu, dân quân tự vệ được huấn luyện quân sự hàng năm và tham gia các cuộc diễn tập. Số lượng thanh niên nhập ngũ hàng năm đều hoàn thành chỉ tiêu, đảm bảo chất lượng. Lực lượng công an xã được biên chế đến từng thôn xóm, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ tài sản tập thể và của nhân dân.

          Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện uỷ Hoàng Long, tháng 10 năm 1984 Đảng bộ xã Cúc Phương tiến hành Đại hội lần thứ XV. Đại hội kiểm điểm, phân tích đánh giá thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội (1981-1985). Đặc biệt từ khi thực hiện Chỉ thị 100 của Ban bí thư Trung ương Đảng về cải tiến cơ chế khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong nông nghiệp. Báo cáo trình bày tại Đại hội khẳng định: 5 năm (1981-1985) sản xuất nông nghiệp ở Cúc Phương giành được thắng lợi tương đối khá cả về trồng trọt và chăn nuôi, đời sống nhân dân vẫn duy trì ổn định. Công tác quốc phòng, an ninh đều đảm bảo và hoàn thành nhiệm vụ. Hoạt động văn hoá xã hội được củng cố, duy trì và phát triển, công tác xây dựng Đảng có nhiều tiến bộ. Đại hội cũng nêu rõ những khuyết điểm. Kinh tế tăng trưởng tốc độ chậm, chưa ổn định bền vững, bình quân lương thực đầu người thấp hơn nhiều so với các xã trong Huyện. Ruộng đồng manh mún (ruộng bậc thang) gây khó khăn trong việc thâm canh tăng năng xuất, sản lượng. Tình trạng xã viên nợ đọng sản phẩm hợp tác xã còn nhiều. Hiện tượng lấn chiếm đất đai nảy sinh. Có thời gian, có khâu sản xuất các hợp tác xã đảm nhiệm không hoàn thành, khoán trắng cho xã viên.

          Xuất phát từ thực tiễn, tình hình cụ thể của địa phương và căn cứ chủ trương chính sách kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước, Đại hội Đảng bộ xã đề ra phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong 3 năm (1984-1986). Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng uỷ (Khoá XV) gồm 9 đồng chí. Đồng chí Đinh Công Khôn tiếp tục được bầu làm bí thư đảng uỷ. Đồng chí Đinh Công Tự được bầu làm phó bí thư đảng uỷ, Chủ tịch uỷ ban nhân dân xã.

          Trong những năm 1976-1985 cả nước hoà bình thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít những khó khăn thử thách. Trong điều kiện thiên tai diễn ra liên tiếp, cơ chế mới chưa hình thành, cơ chế cũ chưa mất đi, mặt khác đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch không ngừng bao vây, cấm vận nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Đảng bộ và nhân dân xã Cúc Phương tìm cách tháo gỡ, vượt qua khó khăn vươn lên hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội  do các kỳ Đại hội Đảng bộ đã đề ra. Tuy nhiên trong 10 năm (1976-1985) hoạt động của Đảng bộ cũng còn bộc lộ những yếu kém, khuyết điểm, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế xã hội. Công tác phát triển đảng viên mới chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch Đảng bộ đề ra (Trong 10 năm kết nạp được 13 đảng viên mới). Một số ít cán bộ đảng viên vẫn còn biểu hiện tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, thiếu gương mẫu chấp hành chủ trương chính sách hoặc hoang mang dao động, băn khoăn lo lắng trước thực trạng khủng khoảng kinh tế của đất nước.

          Phát huy sức mạnh đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân trong xã, với tinh thần tự lực tự cường, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Trung ương, Tỉnh, Huyện xã Cúc Phương đã đạt được thành tích quan trọng. Tuy còn những khó khăn tồn tại nhưng những thành tích và khuyết điểm trong 10 năm (1976-1985) là bài học kinh nghiệm quý cho Đảng bộ, tạo đà cho xã có những bước phát triển theo hướng đi lên trong những năm tiếp theo.

CHƯƠNG V

ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI (1986 - 2000)

          I. Tiến hành công cuộc đổi mới (1986 - 1990)

          Đảng bộ xã Cúc Phương trong 10 năm (1976-1985) đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, cùng cả nước vượt qua thời kỳ khó khăn nhiều mặt, nhất là từ khi có Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bộ mặt đời sống kinh tế xã hội có nhiều tiến bộ.

          Tuy vậy do ảnh hưởng thời tiết mưa lũ đã làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân. Sự đầu tư cho sản xuất nông nghiệp rất thấp, hàng hoá tiêu dùng khan hiếm, sản xuất có biểu hiện trì trệ, đình đốn.

          Thực trạng kinh tế xã hội của xã đòi hỏi Đảng bộ cần quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng về quan điểm đổi mới tư duy lãnh đạo, đồng thời phải đổi mới phương pháp lãnh đạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm và dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, có như vậy mới đưa phong trào cách mạng ở Cúc Phương tiến lên, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đó là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và cũng là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong giai đoạn cách mạng mới, yêu cầu Đảng bộ phải có những giải pháp hữu hiệu vượt qua khó khăn thách thức để tiếp tục phát triển.

          Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện uỷ Hoàng Long, tháng 8 năm 1986 Đảng bộ xã Cúc Phương tổ chức Đại hội lần thứ XVI (Nhiệm kỳ 1986-1988) tại hội trường Uỷ ban nhân dân xã. Đại hội thẳng thắn phân tích, đánh giá ưu khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 1984-1986. Đại hội khẳng định: Cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu; đời sống nhân dân ổn định, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững; các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao được đẩy mạnh; Hệ thống chính trị được củng cố. Đại hội thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm yếu kém, thiếu sót của Đảng bộ trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Đại hội quyết định mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhiệm kỳ 1986-1988: Phấn đấu đảm bảo kế hoạch cấy hết diện tích lúa mùa, chiêm. Chú trọng công tác thuỷ lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bố trí sắp sếp lại lao động giữa các đội sản xuất. Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc gia cầm; Xây dựng đời sống văn hoá, con người mới xã hội chủ nghĩa; Đảm bảo công tác an ninh trật tự, công tác quốc phòng địa phương, từng bước ổn định kinh tế xã hội; tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, xây dựng Đảng bộ, Chi bộ trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

          Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng uỷ (Khoá XVI) gồm 9 uỷ viên. Đồng chí Đinh Công Khôn được bầu lại làm bí thư đảng uỷ.

          Năm 1986 thực hiện Chỉ thị của Tỉnh uỷ Hà Nam Ninh về nâng cao chất lượng đảng viên và tổ chức Đảng, Đảng uỷ chỉ đạo tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ. Tiến hành 3 bước:

          - Hướng dẫn đảng viên tự phê bình và phê bình, viết bản kiểm điểm cá nhân.

          - Lấy ý kiến phê bình đóng góp của quần chúng đối với đảng viên và tổ chức đảng.

          - Họp Chi bộ kiểm điểm tập thể, cá nhân cấp uỷ, đảng viên, phân tích đánh giá ưu, khuyết điểm, nêu phương hướng khắc phục sửa chữa.

          Thông qua đợt sinh hoạt chính trị, hầu hết cán bộ đảng viên, nhất là các đồng chí cán bộ chủ chốt xã, hợp tác xã, đoàn thể nâng cao tinh thần trách nhiệm khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, gương mẫu chấp hành chủ trương chính sách. Đồng thời qua sinh hoạt chính trị đảng uỷ chỉ rõ những yếu kém khuyết điểm của tổ chức đảng, cấp uỷ viên, cán bộ đảng viên về trình độ, năng lực, tổ chức điều hành, quản lý kinh tế xã hội, phát triển sản xuất và chăm lo đời sống nhân dân.

          Năm 1987 Đảng uỷ tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) Nghị quyết đại hội Đảng bộ Tỉnh Hà nam Ninh lần thứ IV (10/1986), Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Hoàng Long lần thứ III (9/1986) và xây dựng chương trình hành động quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra.

          Hai năm 1986-1987 sản xuất nông nghiệp ở Cúc Phương có bước phát triển tiến bộ. Ban quản lý các hợp tác xã nông nghiệp được kiện toàn; các hợp tác xã tiếp tục được củng cố; các bộ phận giúp việc đảm bảo tinh giảm, chất lượng. Hợp tác xã đảm bảo các khâu: làm đất, nước, giống, phân bón, bảo vệ thực vật. Xã viên mạnh dạn đầu tư mua sắm công cụ sản xuất, đẩy mạnh chăn nuôi mỗi hộ từ 2 con lợn trở lên. Kết quả sản xuất nông nghiệp bình quân 2 năm: tổng sản lượng lương thực đạt 283 tấn/ năm. Trong đó ngô quy thóc 190 tấn. Tổng đàn lợn toàn xã 460 con; đàn trâu bò 280 con. Xã Cúc Phương hoàn thành 100% kế hoạch, các chỉ tiêu giao nộp nghĩa vụ Nhà nước.

          Ngày 5 tháng 4 năm 1988 Bộ Chính trị Trung ương Đảng (Khoá VI) ra Nghị quyết 10 (thường gọi là khoán 10) tiếp tục hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm, xác định hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, giao quyền sử dụng đất lâu dài (15 năm). Vấn đề lợi ích của nông dân được giải quyết đúng đắn, tạo ra động lực mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp và tạo tiền đề chuyển đổi mô hình hợp tác xã nông nghiệp.

          Thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 13 của Tỉnh uỷ Hà Nam Ninh. Được sự chỉ đạo của Huyện uỷ Hoàng Long, Đảng uỷ xã Cúc Phương tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, quán triệt Nghị quyết. Qua học tập, cán bộ đảng viên và nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Phong trào thi đua lao động sản xuất ở Cúc Phương được dấy lên mạnh mẽ, sôi nổi.

          Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện uỷ Hoàng Long, Đảng uỷ xã Cúc Phương chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã và Ban quản lý các hợp tác xã nông nghiệp tiến hành khảo sát ruộng đất, xây dựng kế hoạch, phương án giao đất cho nông dân.

          Căn cứ tình hình cụ thể đất đai ở địa phương, Đảng uỷ chỉ đạo thực hiện phương án giao ruộng đất cho nông dân theo 2 vòng: Vòng I giao diện tích đất cơ bản theo nhân khẩu để đảm bảo nhu cầu lương thực; vòng II  giao diện tích đất còn lại theo phương án khoán thầu và đấu thầu. Đồng thời với việc giao đất cho nông dân, các hợp tác xã tiến hành kiểm kê 4 quỹ: ruộng đất, lao động, tài sản cố định, tiền vốn; khoán bán trâu cho xã viên quản lý (trong vòng 15 năm). Ban quản lý các hợp tác xã xây dựng phương hướng, kế hoạch sản xuất. Bộ máy quản lý hợp tác xã tinh giảm không có ban kiểm soát, đổi mới phương thức hoạt động sản xuất nông nghiệp.

          Năm 1987 thực hiện Quyết định 251 của Hội đồng Bộ trưởng, sự chỉ đạo của Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Hoàng Long. Đảng uỷ chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cùng ban quản lý Vườn Quốc gia Cúc Phương vận động và tổ chức cho nhân dân các thôn nằm trong phạm vi Vườn Quốc gia Cúc Phương quản lý di chuyển đến nơi ở mới. Sau khi xem xét tình hình cụ thể của địa phương và sự thống nhất của ban quản lý Vườn Quốc gia Cúc Phương, Đảng uỷ chỉ đạo cho chuyển toàn bộ hợp tác xã Xuân Phương gồm 4 thôn Đồng Cơn, Đăn, Lá Mền, Bống ra khỏi phạm vi Vườn Quốc gia đến nơi ở mới. Trong năm 1987 và đầu năm 1988 đã chuyển toàn bộ 62 hộ, 288 nhân khẩu đến nơi ở mới. Trong thời gian này Uỷ ban nhân dân huyện hỗ trợ 1 tấn lúa giống, Vườn Quốc gia Cúc Phương hỗ trợ 2 tấn lúa giống, 2 tấn phân đạm, hỗ trợ nhân dân xây dựng 2 đập chắn nước trị giá 20 triệu đồng để phục vụ sản xuất đồng thời hỗ trợ một máy biến áp điện 50kw phục vụ điện thắp sáng cho nhân dân, đầu tư xây dựng phòng khám đa khoa phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Nhân dân phấn khởi tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết xây dựng và ổn định đời sống tại nơi ở mới.

          Tiếp tục thực hiện Quyết định của Hội đồng Bộ Trưởng, năm 1990 Đảng uỷ chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã cho chuyển toàn bộ hợp tác xã Đang Mạc (gồm 2 thôn: thôn Đang và thôn Mạc, 53 hộ, 319 khẩu) ra ngoài phạm vi Vườn Quốc gia. Vườn Quốc gia Cúc Phương hỗ trợ 1 tấn lúa giống, 2 tấn phân đạm để phục vụ sản xuất ổn định đời sống. Đến cuối năm 1990 xã Cúc Phương đã cơ bản hoàn thành điều chỉnh bản đồ địa giới hành chính xã đồng thời hoàn thành di chuyển dân ra khỏi Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Năm 1991 Đảng uỷ chỉ đạo cho sáp nhập 2 hợp tác xã ( HTX Xuân Phương và HTX Đang Mạc) thành 1 hợp tác xã mới lấy tên là hợp tác xã Đồng Tiến (HTX Xuân Phương và HTX Đang Mạc sáp nhập thành HTX Đồng Tiến. Xã Cúc Phương lúc này còn 3 HTX (HTX Nga Sấm; HTX Xuân Tiến; HTX Đồng Tiến).

          Từ năm 1986 đến năm 1988 Đảng bộ xã Cúc Phương tăng cường công tác xây dựng Đảng, tiến hành các cuộc sinh hoạt chính trị, học tập quán triệt chủ trương đường lối cách mạng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các Chi bộ duy trì tốt chế độ sinh hoạt và nâng cao chất lượng trong các hội nghị chi bộ hằng tháng, hàng kỳ. Cán bộ đảng viên tự phê bình và đấu tranh phê bình, xây dựng tổ chức Đảng thành một khối thống nhất, giải quyết cơ bản những vấn đề tồn đọng, ổn định tư tưởng cán bộ đảng viên. Tuyệt đại đa số cán bộ đảng viên giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu.

Tuy nhiên trong công tác xây dựng Đảng vẫn còn yếu kém: chưa tập trung chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng với việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị; quy chế hoạt động chưa xác định rõ cụ thể quyền hạn, trách nhiệm cá nhân phụ trách; chậm đổi mới phương pháp công tác; chất lượng sinh hoạt ở một số Chi bộ thấp.

Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện uỷ Hoàng Long, năm 1988 Đảng bộ xã Cúc Phương tổ chức Đại hội lần thứ XVII (Nhiệm kỳ 1988 - 1991) Đại hội tổng kết công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ nhiệm kỳ 1986 - 1988 và đề ra phương hướng mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội xây dựng Đảng nhiệm kỳ 1988 - 1991.

          Đại hội khẳng định trong những năm 1986 - 1988, Đảng bộ tập trung lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, các hoạt động văn hoá giáo dục, y tế, thể dục thể thao được đẩy mạnh và giữ vững.

          Đại hội nghiêm túc chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm của Đảng bộ nhiệm kỳ 1986 - 1988, Đại hội đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 1988 - 1991: tập trung trí tuệ, khắc phục khó khăn phát triển kinh tế xã hội một cách toàn diện. Cấp uỷ, chi bộ, cán bộ đảng viên tích cực học tập, quán triệt đường lối đổi mới đất nước do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Phấn đấu đạt sản lượng lương thực bình quân 300 tấn/ năm, bình quân lương thực 240 kg/người. Hoàn thành chỉ tiêu nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước. Đại hội thông qua các giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển toàn diện, tăng mạnh sản lượng lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, thực hiện tốt chính sách xã hội, chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình. Tăng cường củng cố quốc phòng an ninh. Thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ.

          Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng ủy khóa XVII gồm 9 ủy viên. Đồng chí Đinh Công Khôn được bầu lại làm bí thư đảng ủy.

          Sau Đại hội, Đảng ủy chỉ đạo tập trung đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm. Các hợp tác xã nông nghiệp tiếp tục giao ruộng đất đấu thầu, đất khoán thầu gồm các diện tích đất thung, đất đồi cho hộ xã viên khai thác sản xuất. Phong trào lao động sản xuất của nhân dân trong xã diễn ra sôi nổi với một khí thế tưng bừng phấn khởi.

          Do có sự chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hợp tác xã, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, khai thác triệt để tiềm năng đất đai, sản xuất nông nghiệp ở Cúc Phương phát triển mạnh mẽ, các hợp tác xã phổ biến kỹ thuật và cung ứng giống lúa CR203, giống ngô TSB2 cho xã viên, cung ứng kịp thời phân bón và đảm bảo nước tưới đến từng thửa, từng vùng. Uỷ ban nhân dân xã chỉ đạo công tác bảo vệ sản xuất, giao khoán từng cánh đồng, khu vực dân cư cho các tổ an ninh thôn xóm.

          Kinh tế phát triển tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa xã hội được đẩy mạnh. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, năm học 1989 - 1990 trường phổ thông cơ sở được tách ra thành lập hai trường mới, Tiểu học và Trung học cơ sở, khắc phục khó khăn thầy và trò cả hai trường duy trì đều đặn việc dạy và học đạt chất lượng. Trạm y tế xã được tu sửa và mua sắm trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương.

          Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVII (Nhiệm kỳ 1988 - 1991) Đảng ủy chỉ đạo tập trung củng cố quốc phòng, an ninh. Lực lượng dân quân tự vệ, công an xã được kiện toàn, biên chế và trang bị sẵn sàng chiến đấu. Giữa năm 1989 Uỷ ban nhân dân xã thành lập trung đội an ninh, đồng chí phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã làm trung đội trưởng. Hai năm (1989 - 1990) trung đội an ninh hoạt động tích cực, phát hiện và đấu tranh kịp thời, kiên quyết đối với một số vụ việc (mê tín dị đoan) góp phần ổn định, giữ vững trật tự thôn xóm. Ban chỉ huy xã đội tiến hành thường xuyên công tác điều tra, quản lý số thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự. Toàn xã có 121 thanh niên trong độ tuổi từ 17 đến 27, 85 thanh niên được huấn luyện dân quân tự vệ, 59 thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự. 3 năm (1989 - 1991) có 21 thanh niên lên đường nhập ngũ.

          Tháng 11 năm 1989 Đảng bộ lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã giành thắng lợi, 100% số cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã đủ số lượng là 20 đại biểu (Nhiệm kỳ 1989 - 1994). Tiếp sau đó Đảng bộ lãnh đạo kiện toàn bộ máy chính quyền xã và các cơ quan giúp việc ở xã và thôn xóm. Hội đồng nhân dân xã bầu Uỷ ban nhân dân xã (Nhiệm kỳ 1989 - 1994) gồm 5 ủy viên. Đồng chí Đinh Duy Hải được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã. Bộ máy chính quyền xã đáp ứng yêu cầu cán bộ trẻ, có kiến thức trình độ năng lực tổ chức thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công cuộc đổi mới ở địa phương.

          Công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ, Đảng ủy đặc biệt chú trọng, Đảng ủy tổ chức định kỳ các cuộc sinh hoạt, học tập quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các Chi bộ duy trỳ sinh hoạt hằng tháng, nội dung phong phú sát thực tiễn. Công tác phát triển đảng viên mới được chú ý: Từ năm 1986 đến năm 1990 Đảng bộ kết nạp được 10 đảng viên mới.

          Thực hiện Chỉ thị số 59 của Bộ Chính trị về việc đánh giá chất lượng đảng viên và tổ chức Đảng, Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ sinh hoạt kiểm điểm, phân xếp loại chi bộ, đảng viên theo định kỳ 6 tháng, 1 năm. Hằng năm Đảng ủy xét duyệt công bố kết quả đánh giá xếp loại. Toàn Đảng bộ có 4 chi bộ theo hợp tác xã và 1 chi bộ nhà trường. Xếp loại I có 2 chi bộ; xếp loại II có 3 chi bộ. Tổng số đảng viên của Đảng bộ (đến tháng 12 năm 1990) có 69 đồng chí. Xếp loại I có 4 đảng viên, xếp loại II có 18 đảng viên, xếp loại III có 47 đảng viên.

          5 năm (1986 - 1990) thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ và toàn Đảng bộ đã đề ra những chủ trương và giải pháp đúng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương với những biện pháp, giải pháp chỉ đạo dúng đắn và kịp thời đạt được những thành tựu to lớn. Thực hiện thắng lợi chương trình sản xuất lương thực, thực phẩm đảm bảo đời sống nhân dân ổn định. Tuy nhiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, Đảng ủy còn một số khuyết điểm, thiếu sót: chỉ đạo phát triển kinh tế đạt hiệu quả chưa cao, chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

          II. Thực hiện kế hoạch 5 năm (1991 - 1995).

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm (1991 - 1995) xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ và nhân dân xã Cúc Phương có nhiều thuận lợi cơ bản. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6/1991) thành công khẳng định sự đúng đắn của đường lối đổi mới là điều kiện căn bản tiến lên giành thắng lợi mới. Tuy nhiên khó khăn, thách thức không nhỏ ở phía trước cản bước đường đi lên của cách mạng. Đó là sự kiện Nhà nước xã hội chủ nghĩa liên bang Xô Viết và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bị sụp đổ. Đây là tổn thất to lớn của phong trào cộng sản thế giới, đã tác động mạnh đến tình hình chính trị, kinh tế xã hội nước ta. Các nước Đế quốc và các thế lực thù địch quốc tế và trong nước tập trung chống phá cách mạng Việt Nam. Tình hình kinh tế xã hội nước ta tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn trong tình trạng khủng hoảng. Đời sống kinh tế của nhân dân Cúc Phương gặp nhiều khó khăn. 30% số hộ thiếu ăn từ 3 đến 4 tháng, nhất là nhân dân thôn Đang - Mạc mới chuyển đến chỗ ở mới đời sống chưa ổn định lại gặp phải trận đói găy gắt. Trước thực tế đó đòi hỏi Đảng bộ tập trung trí tuệ, lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII. Các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, Huyện ủy, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước một cách toàn diện, đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng.

Tháng 3 năm 1991 Đảng bộ xã Cúc Phương họp Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 1991 - 1993) tổng kết sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội do Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII đề ra. Đại hội đánh giá: các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu đều đạt kế hoạch. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh đều hoàn thành tốt. Xây dựng cơ bản, giao thông thủy lợi được đầu tư phát triển mạnh góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

Đại hội thảo luận thống nhất chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Nghị quyết đại hội Đảng bộ Tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ IV, Nghị quyết đại hội Đảng bộ Huyện Hoàng Long lần thứ V và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu những chỉ tiêu, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 1991 - 1993. Tăng cường đoàn kết nhất trí, phát huy khai thác mọi tiềm năng, khả năng của địa phương, phấn đấu sản xuất lương thực, thực phẩm đủ tiêu dùng và có dự trữ, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Đảng bộ, Chi bộ trong sạch vững mạnh. Đại hội nêu rõ các biện pháp, giải pháp chủ yếu: Khai thác tiềm năng thế mạnh đồi rừng, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi. Thực hiện tốt chính sách xã hội. Hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Đại hội bầu Đảng ủy khóa XVIII (nhiệm kỳ 1991 - 1993) gồm 9 ủy viên. Đồng chí Đinh Công Khôn được bầu lại làm bí thư đảng ủy.

Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Hoàng Long, đầu năm 1992 Đảng bộ xã Cúc Phương tiến hành đợt sinh hoạt chính trị, học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội VII của Đảng. Trong đợt sinh hoạt chính trị có 85% số đảng viên tham gia. Qua đợt học tập, cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về đường lối đổi mới toàn diện đất nước, nhất là cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội và chiến lược ổn định và phát triển kinh tế đến năm 2000 ở nước ta. Thành tựu kinh tế xã hội 5 năm (1986 - 1990) thực hiện đường lối đổi mới củng cố thêm lòng tin của toàn xã hội đối với sự lãnh đạo của Đảng và đấu tranh chống quan điểm sai trái (đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập), khắc phục tư tưởng dao động hoang mang trước sự sụp đổ tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Trong đợt học tập này, Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ, cấp ủy viên và cán bộ, đảng viên tự liên hệ kiểm điểm cá nhân về vị trí, vai trò trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, tính tiền phong gương mẫu. Qua đợt học tập chính trị tự kiểm điểm phê bình, các chi bộ, chi ủy được kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt đề cao tinh thần trách nhiệm trong công tác và lao động sản xuất.

Năm 1991 thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy về chủ trương cho sáp nhập, chia tách các hợp tác xã nông nghiệp cho phù hợp với tình hình mới. Xã Cúc Phương lúc này có 3 hợp tác xã:

- Hợp tác xã Xuân Phương và hợp tác xã Đang Mạc sáp nhập thành hợp tác xã Đồng Tiến do đồng chí Đinh Văn Bợ làm chủ nhiệm.

- Hợp tác xã Xuân Tiến được sáp nhập vào hợp tác xã Nga Sấm thành 2 hợp tác xã mới là hợp tác xã Nga Tiến do đồng chí Đinh Mạnh Hùng làm chủ nhiệm và hợp tác xã Sấm Tiến do đồng chí Đinh Minh Sơn làm chủ nhiệm.

Sau Đại hội xã viên, Uỷ ban nhân dân xã đã chỉ đạo các hợp tác xã và các thôn ổn định công tác tổ chức khắc phục khó khăn tồn tại, chỉ đạo cho sản xuất nông nghiệp.

Song song với việc chỉ đạo kiện toàn các hợp tác xã nông nghiệp, Đảng ủy chỉ đạo kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng, đội sản xuất cho phù hợp với tình hình mới. Tên thôn xóm hình thành theo từng đội sản xuất. Thôn Nga được tách thành 3 thôn: Nga1; Nga2; Nga3. Thôn Sấm được tách thành 3 thôn: Sấm1; Sấm2; Sấm3. Thôn Đăn và thôn Bống sáp nhập thành thôn Đồng Tâm. Thôn Đồng Cơn và thôn Mền sáp nhập thành thôn Đồng Quân. Thôn Đang và thôn Mạc sáp nhập thành thôn Đồng Bót.

Chi bộ Đảng cũng được đổi tên, sáp nhập, chia tách phù hợp với từng địa bàn và số lượng đảng viên.

- Chi bộ Nga Sấm được tách ra thành 3 chi bộ: Chi bộ Nga1+2; chi bộ Nga3; chi bộ Sấm.

          - Chi bộ Xuân Phương được đổi tên thành chi bộ Đồng Tiến.

          - Chi bộ Đang Mạc được đổi tên thành chi bộ Đồng Bót.

          Chi bộ Xuân Tiến do có sự thay đổi, sáp nhập hợp tác xã, do đó Đảng ủy ra Nghị quyết, Ban Thường vụ Đảng uỷ ra Quyết định giải thể Chi bộ. Số đảng viên đang sinh hoạt ở Chi bộ Xuân Tiến được chuyển sinh hoạt Đảng về chi bộ mới.

          Năm 1992 với tinh thần đổi mới và khí thế cách mạng mới, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Cúc Phương hăng hái thi đua lao động sản xuất, đạt được kết quả tương đối toàn diện. Diện tích lúa cấy được 350 mẫu, lúa nương 30 mẫu, ngô 150 mẫu, năng suất 60 kg/sào. Sản lượng lương thực đạt 320 tấn. Bình quân lương thực đạt 250 kg/người/năm. Cây công nghiệp như cây mía, cây lạc được đưa vào sản xuất với diện tích trên 30 ha bước đầu đã có hiệu quả nhưng năng suất, sản lượng đạt không cao. Lâm nghiệp đồi rừng được phát triển và đưa vào trồng trên diện tích 20 ha đất đồi ở khu Nga và khu Sấm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng mạnh, trâu bò 350 con; lợn 700 con; con nuôi đặc sản như con hươu đã được một số hộ trong xã có điều kiện chăn nuôi và phát triển với số lượng là 15 con.

          Năm 1992 tỉnh Ninh Bình được tái lập, bộ máy đảng và chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế bắt đầu hoạt động theo đơn vị tỉnh mới. Năm 1993 huyện Hoàng Long được đổi tên là huyện Nho Quan (như trước đây). Những sự kiện trên đã khích lệ nhân dân trong xã nắm thuận lợi mới, đưa sự nghiệp đổi mới tiến mạnh hơn nữa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

          Thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình và Quyết định 313 ngày 6 tháng 8 năm 1993 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về Tiếp tục đổi mới tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp, giao quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài cho nông dân. Đảng ủy tổ chức đợt học tập, quán triệt Nghị quyết 02 và Quyết định 313 trong toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã.

          Sau đợt quán triệt, học tập Nghị quyết 02 của Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định 313 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh. Đảng ủy, Uỷ ban nhân dân xã chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp tiến hành kiểm kê quỹ đất canh tác, lập phương án để đưa ra hội nghị xã viên thảo luận, thống nhất. Hạn chế không để tình trạng giao đất manh mún trong tổ chức thực hiện. Đảng ủy chỉ đạo không để xảy ra tư tưởng chủ quan, đơn giản, giấu diện tích, suy bì hơn thiệt giữa các đội sản xuất, giữa các thôn xóm và giữa các hộ xã viên.

          Hội nghị xã viên thảo luận và thống nhất phương án giao đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân của ban quản lý các hợp tác xã. Được sự chỉ đạo của Đảng ủy, Uỷ ban nhân dân xã , ban chỉ đạo giao đất của xã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, đội sản xuất tổ chức thực hiện đảm bảo yêu cầu, đúng chủ trương chính sách, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn. Đến cuối năm 1993 Cúc Phương cơ bản hoàn thành giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài cho nhân dân.

          Được giao quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài, nông dân phấn khởi, yên tâm mạnh dạn đầu tư sản xuất. Từ vụ xuân năm 1994 sản xuất nông nghiệp ở Cúc Phương phát triển mạnh mẽ.

          Do có sự đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, người lao động đã phát huy tính năng động, sáng tạo thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế tăng trưởng, đời sống nhân dân nâng cao. Một số hộ nông dân tạo nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi con nuôi đặc sản có thu nhập cao. Có tích luỹ tập trung vốn tái sản xuất mở rộng, mua sắm công cụ phục vụ sản xuất, mua sắm đồ tiêu dùng phục vụ sinh hoạt.

Thực hiện Chỉ thị về tổ chức Đại hội Đảng bộ cơ sở của Huyện uỷ Nho Quan từ ngày 29 đến 30 tháng 11 năm 1993 Đảng bộ xã Cúc Phương tiến hành Đại hội lần thứ XIX (nhiệm kỳ 1993 - 1995). Dự đại hội có 71 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội thảo luận và thông qua báo cáo chính chị tổng kết nhiệm kỳ 1991 - 1993, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ. Báo cáo nêu rõ: sản xuất nông nghiệp 3 năm (1991 - 1993) ở Cúc Phương có bước phát triển khá giành được thắng lợi cả về trồng trọt và chăn nuôi, sản xuất lương thực đủ tiêu dùng và có dự trữ. Kết quả đó làm chuyển biến nhận thức về các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế cá thể (hộ gia đình) ở nông thôn, người lao động phát huy khả năng sáng tạo, tư duy kinh tế, thay đổi cách nghĩ, cách làm trên mảnh đất của mình tạo ra nhiều của cải cho xã hội. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện. Các hoạt động văn hoá - xã hội, quốc phòng an ninh đều hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch. Báo cáo trình đại hội nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng, nhất là việc thực hiện nghị quyết TW3 (khoá VII) về đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Duy trì sinh hoạt chi bộ nề nếp, hằng tháng chi uỷ, chi bộ kiểm điểm đánh giá vị trí, vai trò lãnh đạo, đảng viên liên hệ kiểm điểm tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và đề ra phương hướng khắc phục sửa chữa khuyết điểm.

Đại hội đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội nhiệm kỳ 1993-1995 đưa Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII; Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XII; Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Nho Quan lần thứ XXI vào cuộc sống. Thực hiện 4 chương trình kinh tế- xã hội. Đảm bảo ổn định lương thực tiêu dùng và tích luỹ, tăng số hộ giàu, giảm số hộ nghèo, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền đoàn thể nhân dân. Nghị quyết đại hội nhấn mạnh các giải pháp lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đẩy mạnh thâm canh cây lúa, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển ngành nghề truyền thống. Xác định xây dựng Đảng là khâu then chốt trong cả nhiệm kỳ, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý luận Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển đảng viên mới.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng uỷ khoá XIX (nhiệm kỳ 1993-1995) gồm 9 uỷ viên đồng chí Đinh Văn Nhinh được bầu làm Bí thư Đảng uỷ.

Sau Đại hội Đảng uỷ tổ chức nhiều cuộc họp thảo luận và chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, các hợp tác xã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã.

Năm 1994 thực hiện Quyết định dãn dân của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Đảng uỷ chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã khảo sát, quy hoạch xây dựng khu dân cư mới. Sau khi quy hoạch và được cấp trên phê duyệt, Uỷ ban nhân dân xã vận động các hộ ở 4 thôn Sấm 1+2+3, Nga 1 đến nơi ở mới. Sau đợt vận động đã có 34 hộ đăng ký viết đơn tự nguyện đến nơi ở mới. Các hộ đều được Nhà nước cấp đất ở, hỗ trợ tiền dãn dân mỗi hộ 800.000 đồng. Hỗ trợ một trạm biến áp điện 100KW, xây dựng hệ thống nước sinh hoạt đến khu dân cư. Hội đồng nhân dân xã họp ra Nghị quyết thành lập thôn mới lấy tên là thôn Bãi Cả, các tổ chức đoàn thể trong thôn được thành lập và đi vào hoạt động.

Năm 1994 Đảng bộ lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp thắng lợi. Đảng uỷ chỉ đạo các chi bộ, ban ngành đoàn thể trong xã tổ chức hội nghị học tập luật tổ chức hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân (sửa đổi) ngày 20/11/1994. Bầu Hội đồng nhân dân xã Cúc Phương nhiệm kỳ 1994 - 1999 gồm 20 đại biểu. Hội đồng nhân dân xã bầu Uỷ ban nhân dân xã gồm 5 uỷ viên. Đồng chí Đinh Duy Hải được bầu lại làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã.

Phong trào thi đua lao động sản xuất ở Cúc Phương diễn ra sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội. Do có cơ chế “Khoán 10” và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật làm cho nông sản, sản lượng lúa màu, chăn nuôi đều tăng. Tổng sản lượng lương thực bình quân (1993-1995) đạt 800 tấn. Bình quân lương thực đầu người đạt 380 kg/người/năm. Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt, số hộ khá giả đã mua sắm được máy công cụ sản xuất và đồ dùng sinh hoạt. Số hộ nợ đọng sản phẩm thuế nhà nước giảm dần.

Các hoạt động văn hoá xã hội duy trì và ổn định phong trào. Trạm y tế xã được đầu tư, nâng cấp và tăng cường cán bộ chuyên môn làm công tác y tế. 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng phòng bệnh và uống Vitamin A. Công tác giáo dục có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh lên lớp đạt từ 95 đến 96%, tốt nghiệp 96 đến 97%. Hoạt động của chính quyền, các hợp tác xã, các đoàn thể quần chúng được củng cố và hoạt động có hiệu quả. Đoàn thanh niên với phong trào “Thanh niên lập nghiệp” “ Tuổi trẻ giữ nước”, đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hội phụ nữ thực hiện cuộc vận động 5 chương trình, hai phong trào do Trung ương hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động. Hội nông dân với phong trào giúp nhau xoá đói giảm nghèo. Hội cựu chiến binh thành lập năm 1989 tích cực tham gia công tác xã hội, giáo dục truyền thông cách mạng cho thế hệ trẻ. Hội người cao tuổi lập quỹ giúp đỡ, ủng hộ người già khó khăn cô đơn.

Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, tổ chức quán triệt các Nghị quyết TW3, TW4 (khoá VII) và Nghị quyết số 04 của Tỉnh uỷ Ninh Bình. Tổng số đảng viên trong Đảng bộ là 71 đồng chí. Tham gia xếp loại có 69 đồng chí kết quả đánh giá xếp loại hơn 70% số đảng viên đủ tư cách xếp loại một; 28% xếp loại hai; 2 Chi bộ trong sạch vững mạnh, 4 chi bộ xếp loại khá, từ năm 1991 - 1994 toàn Đảng bộ kết nạp được 5 đảng viên mới.

Trong 10 năm (1986-1995) Đảng bộ và nhân dân Cúc Phương thực hiện đường lối đổi mới đã tạo những chuyển biến tích cực có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ở địa phương, tạo đà cho bước phát triển cao hơn những năm tiếp theo.

III- Thực hiện kế hoạch 5 năm (1996 - 2000).

Xã Cúc Phương sau 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới có nhiều thay đổi căn bản về kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên bước vào thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước Cúc Phương gặp không ít khó khăn. Nền kinh tế nông nghiệp phát triển tốc độ chậm, chưa mang tính bền vững. Văn hoá xã hội chưa được đẩy mạnh, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ đảng viên chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới. Trong những năm 1991 - 1995 công tác phát triển đảng viên mới còn nhiều hạn chế.

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) và kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện uỷ Nho Quan về tổ chức Đại hội Đảng bộ cơ sở, ngày 9 tháng 9 năm 1995 Đảng bộ xã Cúc Phương tổ chức Đại hội lần thứ XX (nhiệm kỳ 1995 - 1997). Dự đại hội có 65 đảng viên sinh hoạt ở 6 chi bộ. Đại hội thảo luận thống nhất đánh giá kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 1993 - 1995. Quyết định chương trình - kế hoạch, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của xã nhiệm kỳ 1995 - 1997, Đại hội khẳng định:

Kinh tế xã hội của xã có bước phát triển khá, đời sống nhân dân được ổn định và cải thiện đáng kể. Nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng vào công cuộc đổi mới của đất nước. Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo quốc phòng và an ninh. Các hoạt động văn hoá - xã hội được duy trì và giữ vững. Đại hội chỉ ra những tồn tại hạn chế khó khăn: chưa áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chưa mạnh dạn đưa cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Tỷ lệ hộ đói nghèo còn quá cao làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và đời sống nhân dân. Nguyên nhân chủ quan là do công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, ban ngành chức năng xã, các hợp tác xã nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế trong thời kỳ mới.

Đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội nhiệm kỳ (1995 - 1997). Phát huy kết quả đạt được trong 10 năm đổi mới, tăng cường khối đại đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, phát huy tiềm năng thế mạnh đất đai sẵn có. Tổng sản lượng lương thực 900 tấn/năm. Bình quân lương thực 400 kg/người/năm. Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, xã hội. Xây dựng cơ sở hạ tầng. Tăng cường công tác xây dựng Đảng và cả hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đại hội bầu uỷ viên mới (khoá XX nhiệm kỳ 1995 - 1997) gồm 9 uỷ viên, đồng chí Đinh Văn Nhinh được bầu lại làm Bí thư Đảng uỷ.

Đại hội đại biểu huyện Nho Quan lần thứ XXII (họp tháng 3 năm 1996) khẳng định kết quả Đại hội Đảng bộ huyện Hoàng Long lần thứ V và hội nghị giữa nhiệm kỳ. Đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 1996 - 2000.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XIII (họp tháng 4 năm 1996) tổng kết 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới ở địa phương và đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1996 - 2000).

Đó là những cơ sở lý luận quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Cúc Phương tiếp thu vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương, phấn đấu thực hiện thắng lợi Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX nhiệm kỳ 1995 – 1997.

Triển khai thực hiện Nghị quyết TW 4 (khoá VIII) về “phát triển nội lực, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước”, Đảng uỷ tập trung chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp các đoàn thể quần chúng làm tốt công tác vận động quần chúng, phát huy nội lực của tập thể, hộ gia đình và cá nhân, tập trung nguồn vốn, công sức trí tuệ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ bản; nâng cao năng lực lãnh đạo tổ chức quản lý điều hành sản xuất của đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã hợp tác xã. Động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, nâng cao hiệu quả, chất lượng và năng xuất cây trồng vật nuôi.

Từ khi có Nghị quyết số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Quyết định 313 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về giao quyền sử dụng ruộng đất, ổn định, lâu dài cho hộ nông dân, nhân dân yên tâm, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất trên mảnh đất được giao. Tuy nhiên trên thực tế hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp bộc lộ nhiều yếu kém, khuyết điểm trong quản lý tổ chức không phù hợp trong điều kiện cụ thể khi có chính sách kinh tế mới. Trước thực tế đó, Đảng chủ trương đổi mới tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp phù hợp với giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tiếp tục phát huy vai trò của hợp tác xã đối với hộ nông dân.

Năm 1998 cùng với việc tổ chức quán triệt học tập Nghị quyết TW 6 về phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn và chỉnh đốn Đảng; Nghị định số 16/CP ngày 21/12/1997 của Chính phủ về đổi mới công tác tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp theo luật hợp tác xã, Đảng uỷ xã Cúc Phương ra Nghị quyết tổ chức thực hiện Nghị quyết  TW6 và Nghị định 16/CP của Chính phủ. Nghị quyết nêu rõ:

Các chi bộ tập trung tổ chức tuyên truyền học tập, quán triệt chủ trương, chính sách kinh tế mới của Đảng và Nhà nước để cán bộ, đảng viên và nông dân hiểu rõ luật hợp tác xã, trên cơ sở đó củng cố quan hệ sản xuất, giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt về đất đai, tiền vốn đầu tư sản xuất, xây dựng các công trình kinh tế- văn hoá phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đảng uỷ nêu ra những giải pháp cơ bản:

+ Giữ vững nguyên tắc chuyển đổi hợp tác xã cũ sang hợp tác xã kiểu mới theo luật hợp tác xã trên cơ sở hợp nhất 3 hợp tác xã nông nghiệp thành 1 hợp tác xã kiểu mới mà xã viên tự nguyện, tự giác xây dựng.

+ Tập trung giải quyết cơ bản những vấn đề tồn đọng của các hợp tác xã cũ, kiểm kê tài sản, vốn quỹ cụ thể, rõ ràng và công khai.

+ Tổ chức bộ máy quản lý hợp tác xã mới gọn nhẹ, có tinh thần trách nhiệm cao, có năng lực tổ chức quản lý dịch vụ hiệu quả.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng uỷ ngày 05/7/2000, xã Cúc Phương tổ chức Đại hội hợp tác xã và hợp nhất 3 hợp tác xã (Đồng tiến - Nga - Sấm) thành 1 hợp tác xã kiểu mới theo luật hợp tác xã. Dự Đại hội có 95 đại biểu tiêu biểu đại diện cho 1256 xã viên trong toàn xã. Đại hội thông qua báo cáo đề án hoạt động hợp tác xã, điều lệ hợp tác xã, bầu ra bộ máy quản lý hợp tác xã nông nghiệp do đồng chí Đinh Thanh Niên làm chủ nhiệm.

Trong 5 năm (1996 - 2000) được sự chỉ đạo sâu sát của Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã, các hợp tác xã tiến hành tổ chức đổi mới cơ cấu kinh tế đưa giống cây, con có năng suất cao vào sản xuất. Toàn xã bắt đầu hình thành ngành nghề dịch vụ như nghề mộc, máy xay sát, dịch vụ vận tải, bán hàng tạp hoá.

Sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, tổng sản lượng lương thực đạt 980 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 380 kg/ người/ năm. Thu nhập bình quân 1 ha canh tác trên 11 triệu đồng. Chăn nuôi phát triển mạnh, đàn trâu bò 980 con, đàn lợn 670 con, hươu 60 con, dê 260 con, ong 430 đàn. Đời sống nhân dân được nâng lên, hộ kinh tế khá 8%, hộ trung bình 56%, số hộ nghèo đói 36,6%. Thực hiện chỉ thị 30 - CT/TW ngày 18/3/1998 của Bộ Chính trị, Nghị định số 29-NĐ/CP ngày 11/05/1998 của Chính phủ về quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Trong 2 năm 1998 - 2000 Đảng uỷ xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy chế dân chủ, tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng hương ước, đến cuối năm 1998 Xã có 10/10 thôn xây dựng được hương ước và hướng dẫn nhân dân thực hiện. Uỷ ban nhân dân xã chỉ đạo các đoàn thể, các thôn, các hộ gia đình sử dụng vốn vay chương trình 327, vốn vay xoá đói giảm nghèo, vốn vay giải quyết việc làm 120...

Đảng bộ tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm pháp lệnh xây dựng lực lượng dân quân tự vệ. Ban chỉ huy quân sự xã xây dựng kế hoạch rà soát lập danh sách thanh niên đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự, hằng năm tổ chức khám tuyển, giao quân đều đạt và vựơt chỉ tiêu. Đảng uỷ và Uỷ ban nhân dân xã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị định 40/CP của chính phủ về tổ chức lực lượng Công an xã.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể được củng cố và tăng cường trên cơ sở giáo dục chính trị, học tập, quán triệt nghị quyết chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng các chương trình hành động thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống. Đảng uỷ cử cán bộ, đảng viên theo học các lớp đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị, văn hóa và nghiệp vụ  chuyên môn .

Năm 1999 Đảng bộ Cúc Phương có 74 đảng viên sinh hoạt  ở 8 chi bộ (1 chi bộ nhà trường, 7 chi bộ sản xuất nông nghiệp). Qua đánh giá phân xếp loại có 4 chi bộ đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh, không có chi bộ yếu kém, 90% số đảng viên đạt tiêu chuẩn đủ tư cách đảng viên. Trong 5 năm (1996 - 2000) bồi dưỡng 18 quần chúng tiêu biểu phấn đấu vào Đảng, kết nạp được 9 đảng viên mới.

Tổ chức Đảng, chính quyền xã và các đoàn thể quần chúng hằng năm đều giữ vững đơn vị xếp loại khá trong huyện.

Những kết quả trên bước đường đổi mới mà Đảng bộ và nhân dân Cúc Phương đã đạt được trong 10 năm (1986 – 2000) những thành tựu đạt được là rất lớn. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Cúc Phương luôn tăng cường khối đại đoàn kết, phát huy nội lực và sức sáng tạo, tích cực thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực hoạt động. Song bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cũng còn nhiều tồn tại khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi Đảng bộ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết của Đảng, phấn đấu xây dựng quê hương Cúc Phương có cuộc sống ngày càng ấm no, văn minh, hạnh phúc, vững bước tiến vào thế kỷ XXI.

CHƯƠNG VI

TIẾP TỤC CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ

 NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN (2001 – 2010)

I. Tiếp tục công cuộc đổi mới (2001 – 2005)

Trong 2 ngày từ ngày 28 đến ngày 29 tháng 9 năm 2000 Đảng bộ xã Cúc Phương họp Đại hội lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2001- 2005) tại hội trường Uỷ ban nhân dân xã, tham dự Đại hội có 68 đảng viên trong toàn đảng bộ. Tại đại hội, Đảng uỷ trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội 5 năm (1996- 2000). Đại hội chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém: tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Lĩnh vực dịch vụ của các hợp tác xã trì trệ chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất và đời sống. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đội ngũ cán bộ năng lực không đồng đều, còn một số hạn chế. Đại hội xác định phương hướng nhiệm vụ và đề ra mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2001 - 2005): Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm tăng 7,5%, tỷ trọng nông nghiệp 93%, dịch vụ 7%. Sản lượng lương thực 1200 tấn, bình quân lương thực 450 kg/người/ năm. Tập chung đầu tư xây dựng cơ bản, trường học, trạm y tế, giao thông nông thôn, phấn đấu xây dựng Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể quần chúng vững mạnh.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng uỷ (khóa XXI) nhiệm kỳ 2001 - 2005 gồm 9 uỷ viên, Đảng uỷ bầu Ban Thường vụ gồm 3 uỷ viên, đồng chí Đinh Văn Nhinh được bầu lại làm Bí thư Đảng uỷ.

Sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn xã Cúc Phương trong 5 năm 2001- 2005 có bước phát triển khá, đạt kết quả tương đối toàn diện, sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa, cơ cấu cây trồng chuyển dịch căn bản, đưa cây công nghiệp có năng xuất cao vào sản xuất. Năm 2001 cây mía 25ha, năm 2005 tăng lên 105 ha; dứa 30 ha. Diện tích lúa, ngô được giữ vững và duy trì 220 ha, năm 2001 năng xuất 29 tạ/ha, năm 2005 tăng lên 33,6 tạ/ha. Bình quân lương thực đầu người 480 kg/ người/năm, giá trị thu nhập đầu người 3,5 triệu đồng/ năm. Năm 2005 có 10 hộ thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên, 25 hộ có thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên. hộ đói nghèo là 209 hộ chiếm 36,6% (theo tiêu chí mới năm 2005). Cơ bản xóa xong tình trạng nhà tranh vách đất cho 93 hộ nghèo.

 

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Năm 2001

Năm 2002

Năm 2003

Năm 2004

Năm 2005

Năng suất lúa

Tạ/ha

29

36,4

32,4

33

33,6

Năng suất ngô

Tạ/ha

30

35,1

27

36,5

37,5

Sản lượng cây có hạt

Tấn

1050

1147

1324

1235

1280

Bình quân lương thực

Kg/năm

420

454

473

460

450

Giá trị SP thu nhập 1 ha canh tác

Triệu đồng

9

11

12

11

12

Đàn trâu, bò

Con

825

1060

1176

1068

1275

Đàn dê

Con

1000

783

564

706

686

Đàn hươu

Con

60

85

166

178

212

Đàn ong

Đàn

350

250

297

249

309

Đàn nhím

Con

 

6

23

37

84

Phát huy tiềm năng thế mạnh của xã, ngành chăn nuôi chiếm vị trí mũi nhọn, phát triển đa dạng các loại hình con nuôi. Năm 2001 đàn trâu bò 825 con. năm 2005 đàn trâu bò 1275 con tăng 450 con, đàn dê tăng nhanh, năm 2000 có 230 con, đến năm 2004 là 706 con, tăng 476 con.

Cây ăn quả, cây lấy gỗ cũng là thế mạnh của xã, cả xã có 50 ha cây ăn quả, 350 ha đồi rừng khoanh nuôi, rừng núi đá, nhiều hộ đã có thu nhập từ kinh tế vườn. Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã khuyến khích các hộ vay vốn trồng rừng phủ xanh đồi trọc, số vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng.

Từ năm 2000 đến năm 2005 xây dựng cơ bản ở Cúc Phương được đầu tư theo chương trình 135 của Chính phủ, nguồn tài trợ của các dự án nước ngoài. Tổng nguồn vốn năm 2004 là 2 tỷ 694 triệu đồng. Xây dựng công trình trường trung học cơ sở 1,13 tỷ đồng, trường mầm non 405 triệu đồng, trụ sở làm việc Uỷ ban nhân dân xã 1,1 tỷ đồng.

Đường giao thông nông thôn, hệ thống thuỷ lợi, kênh mương, bai đập phục vụ sản xuất và đi lại được đầu tư 5 km đường đổ cấp phối khu Sấm và Nga1- Nga2, xây dựng đập tràn suối Nga 2, Đồng Quân…

Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ lãnh đạo đẩy mạnh các hoạt động lĩnh vực văn hoá xã hội, công tác giáo dục đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được củng cố và tăng cường, tinh thần trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên  ở cả 3 cấp học được nâng lên. Năm 2004 trường trung học cơ sở có 425 học sinh, 15 lớp, 9 em học sinh giỏi, 61 học sinh khá. Trường tiểu học có 294 học sinh, 15 lớp, 42 học sinh xuất sắc, 46 học sinh khá. Trường mầm non có 6 lớp, trong đó 3 lớp khu lẻ, 3 lớp khu trung tâm. Năm 2004 xã Cúc Phương hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Năm 2005 trường mầm non Cúc Phương được Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia.

Ngành y tế đẩy mạnh hoạt động chăm sóc sức khoẻ, tổ chức tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh. Năm 2005 số lượt khám bệnh 3451 người, trong đó khám tại trạm 1663 lượt người, khám dự phòng 1788 lượt người, điều trị nội trú 98 lượt bệnh nhân, trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng 41/45 cháu, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng năm 2005 là 21,9%, giảm 4,6% so với năm 2004. Năm 2005 xã Cúc Phương được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.                      

Hoạt động thể dục thể thao phát triển đồng đều ở các thôn, xã có 1 sân bóng đá, 5 sân bóng chuyền thu hút đông đảo quần chúng tham gia, hằng năm xã đều tổ chức thi đấu giao hữu giữa các thôn, các xã bạn nhân dịp các ngày lễ tết, tham gia các giải thi đấu bóng chuyền tại huyện đều đạt kết quả cao.

Lực lượng dân quân tự vệ, Công an xã thường xuyên được củng cố, tổ chức học tập chính trị và huấn luyện quân sự. Hoàn thành chỉ tiêu giao quân hằng năm và nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn xã.

Công tác xây dựng Đảng được Đảng uỷ xác định là nhiệm vụ then chốt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng chi bộ, đảng viên.

Ngày 18/01/2001 Huyện uỷ Nho Quan ra công văn chỉ đạo Đảng bộ Vườn Quốc gia Cúc Phương chuyển giao số đảng viên là cán bộ đã nghỉ hưu về sinh hoạt tại Đảng bộ xã Cúc Phương theo nghị định số 51/CP của Chính phủ. Thực hiện công văn chỉ đạo của Huyện uỷ Nho Quan, ngày 23/10/2001 Đảng uỷ Vườn Quốc gia Cúc Phương đã bàn giao 15 đảng viên là cán bộ đã được nghỉ hưu theo chế độ chuyển về sinh hoạt tại Đảng bộ xã Cúc Phương. Sau khi nhận bàn giao ngày 9/11/2001 Ban Thường vụ Đảng uỷ ra Quyết định thành lập Chi bộ Hưu Trí xã Cúc Phương gồm 15 đồng chí (Sau này gọi là chi bộ Làng Công Nhân).

Thực hiện chủ trương xoá chi bộ ghép và thôn không có đảng viên, ngày 10 tháng 08 năm 2002 Ban Thường vụ Đảng uỷ ra Quyết định tách Chi bộ Tiểu học-Trung học cơ sở - Mầm non thành 2 chi bộ: Chi bộ trường Tiểu học và Chi bộ trường THCS - Mầm non. Tách Chi bộ Sấm thành 2 chi bộ: Chi bộ Bãi cả + Sấm1 và Chi bộ Sấm 2+3. Đến tháng 6 năm 2004 Chi bộ Bãi cả + Sấm 1 được tách ra thành 2 chi bộ: Chi bộ Bãi cả và Chi bộ Sấm 1. Tháng 6 năm 2005 tách Chi bộ trường Trung học cơ sở + Mầm non thành 2 chi bộ: Chi bộ trường Trung học cơ sở và Chi bộ trường Mầm non. Nâng tổng số từ 8 chi bộ năm 2002 lên 13 chi bộ năm 2005. (9 chi bộ thôn, 1 chi bộ hưu trí, 3 chi bộ trường học). Số lượng đảng viên là 120. Hằng năm Đảng uỷ tổng kết công tác xây dựng Đảng: năm 2001 có 5/8 chi bộ trong sạnh vững mạnh, năm 2002 có 6/8 chi bộ, năm 2003 có 7/8 chi bộ, năm 2004 có 5/11 chi bộ, năm 2005 có 9/13 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh. 47 đảng viên xếp loại I, 72 đảng viên xếp loại II, 01đảng viên xếp loại III. Trong nhiệm kỳ 2001 - 2005 kết nạp được 32 đảng viên mới, tăng 23 đảng viên so với nhiệm kỳ 1996 -2000.

Thực hiện cuộc vận động chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết TW 6 (lần 2) Khoá VIII, kết quả có 80% số đảng viên xếp loại I, 80% chi bộ vững mạnh, 20% chi bộ khá. Năm 2004 Đảng uỷ triển khai quán triệt thực hiện Chỉ thị số 29 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi thẻ đảng viên, qua 3 đợt có 99 đảng viên được đổi thẻ.

Hoạt động của các tổ chức đoàn thể quần chúng diễn ra sôi nổi, nâng cao chất lượng đạt hiệu quả. Mặt trận tổ quốc thường xuyên tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Toàn xã có 9 ban công tác mặt trận do đồng chí bí thư chi bộ làm trưởng ban, tích cực vận động nhân dân xây dựng phát triển kinh tế, văn hoá xã hội góp công, góp sức xây dựng nhà tình nghĩa cho 4 hộ chính sách, sửa chữa, xây mới 89 nhà tranh tre dột nát cho hộ nghèo.

Đoàn thanh niên với phong trào “Thanh niên lập nghiệp” và “ Tuổi trẻ giữ nước”, đẩy mạnh các phong trào thi đua, là lực lượng nòng cốt đi đầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Thường xuyên chăm lo, xây dựng củng cố tổ chức đoàn, kết nghĩa với các đơn vị bạn, đoàn Vườn Guốc gia Cúc Phương, đoàn xã Phú Long và hội cựu chiến binh xã thường xuyên tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, tăng cường khối đại đoàn kết trong lực lượng thanh niên. Trong 5 năm (2001 -2005) đoàn thanh niên xã Cúc Phương được Trung ương đoàn tặng 2 bằng khen, Tỉnh đoàn tặng 3 giấy khen.

Hội phụ nữ thực hiện 5 chương trình và 2 phong trào thi đua do Trung ương hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động. Với tổng số 306 hội viên, hội phụ nữ xã tích cực đổi mới nội dung phương thức hoạt động tổ chức cho hội viên tham gia các chương trình học tập, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức về mọi mặt, xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Thành lập câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ. Hội phụ nữ xã nhiều năm liền đạt đơn vị khá trong huyện.

Hội cựu chiến binh với tổng số 119 hội viên sinh hoạt ở 9 chi hội. Hội tích cực tham gia công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, phát huy truyền thống phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ. Năm 2001 hội cựu chiến binh xã Cúc Phương được Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tặng cờ thi đua xuất sắc trong công tác hội.

Hội Nông dân phát động phong trào “Sản xuất kinh doanh giỏi” tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cây trồng con  nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Tiếp thu, chuyển giao khoa học kỹ thuật xây dựng cánh đồng có thu nhập 50 triệu đồng/ ha canh tác. Tổ chức hội tín chấp cho hội viên vay vốn 1,7 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, ổn định kinh tế gia đình. 5 năm liền (2001 - 2005) hội nông dân xã Cúc Phương được Trung ương hội nông dân Việt Nam tặng 01 bằng khen, Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng 01bằng khen, Hội nông dân tỉnh tặng 2 giấy khen.

Hội người cao tuổi, Hội khuyến học, Hội chữ thập đỏ, Hội liên hiệp thanh niên, trung tâm học tập cộng đồng, thanh tra nhân dân được Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã quan tâm chỉ đạo, tổ chức củng cố kiện toàn thường xuyên và hoạt động có hiệu quả.

II. Đẩy mạnh Công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn (2006 -2010)

Thực hiện chỉ thị số 46 - CT/TW của Bộ Chính trị, kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng bộ cơ sở của Huyện uỷ Nho Quan, Đảng bộ xã Cúc Phương họp Đại hội lần thứ XXII trong 2 ngày, từ ngày 25 đến ngày 26 tháng 08 năm 2005, tại hội trường Uỷ ban nhân dân xã. Về dự Đại hội có 97/120 đảng viên đang sinh hoạt tại 13 chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã. Đại hội thông qua tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị của Huyện uỷ Nho Quan, dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành TW Đảng (khoá IX). Thảo luận và thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2001- 2005 của Đảng uỷ khoá XXI. Đại hội khẳng định: 5 năm (2001 - 2005) Đảng bộ và nhân dân xã Cúc Phương đoàn kết thống nhất vượt qua khó khăn thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế xã hội, kinh tế nông nghiệp giữ mức tăng trưởng khá, bình quân 7,5%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp 84%, lâm nghiêp vườn đồi 7%, thương mại dịch vụ tổng hợp 9%, tổng sản lượng lương thực bình quân đạt 1200 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 450kg/ người /năm. Bình quân thu nhập một ha canh tác đạt 14 triệu đồng. Tỷ lệ hộ đói nghèo 13% (36,6% tiêu chí mới), xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã sấp xỉ 6 tỷ đồng, xây dựng 4,5 km đường giao thông mặt cứng, 20 phòng học cao tầng, trụ sở làm việc của Đảng uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể.

Sự nghiệp giáo dục - y tế - văn hóa xã hội tiếp tục phát triển, 100% các cháu trong độ tuổi được đến trường. Hoàn thành phổ cập tiểu học, trung học cơ sở. Số học sinh trúng tuyển vào các trường trung học phổ thông 30 cháu/năm, thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng trung bình 7 cháu/năm. Xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, trung bình mỗi năm có từ 60 đến 70 bệnh nhân điều trị nội trú, hàng nghìn lượt người đến khám chữa bệnh.

Hoạt động văn hoá, thể thao, thông tin tuyên truyền có chuyển biến tích cực, quán triệt Nghị quyết TW5 khoá VIII, kết luận hội nghị TW10 khoá IX, phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” trong nhân dân, làm cho phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tiếp tục phát triển. ủy ban nhân dân xã đầu tư kinh phí sưu tầm và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc Mường, nét văn hóa truyền thống được lưu truyền trong nhân dân. Công tác quốc phòng an ninh được giữ vững, Đảng uỷ quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị về nhiệm vụ quốc phòng địa phương và “Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới”. Làm tốt nhiệm vụ huấn luyện quân sự, chính trị cho lực lượng dân quân tự vệ, quân dự bị động viên, tạo điều kiện thuận lợi trong báo gọi thanh niên khám sức khoẻ, nhập ngũ, xây dựng quân đội. Tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao ý thực cảnh giác trước mọi âm mưu “Diễn biến hoà bình” “ Bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch. Xây dựng lực lượng công an xã vững mạnh, phát động phong trào toàn dân tích cực bảo vệ an ninh tổ quốc phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn xã.

Đại hội chỉ rõ những khuyết điểm tồn tại trong nhiệm kỳ 2001 - 2005. Kinh tế tuy có phát triển nhưng chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, sản xuất mang nặng tính thuần nông. Hoạt động văn hoá- xã hội tuy có chuyển biến tích cực nhưng chất lượng chưa cao. Năng lực điều hành, sức chiến đấu ở một số Chi bộ chưa cao, công tác giáo dục chính trị tư tưởng đạo đức lối sống cho cán bộ đảng viên chưa sâu sát, tính tiền phong gương mẫu, kỷ luật trong Đảng ở một số đảng viên chưa được phát huy.     

Đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010): Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ trên các lĩnh vực kinh tế - văn hoá xã hội, quốc phòng an ninh. Tích cực khai thác tiềm năng thế mạnh, huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, khuyến khích mở rộng sản xuất hàng hoá và các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống.

Đại hội nêu rõ các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế bình quân 7%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2010: nông nghiệp 90%, dịch vụ 10%, giá trị thu nhập 1ha canh tác 16 triệu đồng/ năm. Sản lượng lương thực có hạt (ngô, lúa) 1350 tấn, bình quân 460 kg/người/năm. Trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia vào năm 2008, trường Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia vào năm 2010. giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã. Hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng địa phương. Xây dựng Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể quần chúng trong sạch, vững mạnh.

Đại hội bầu Đảng uỷ khoá XXII (nhiệm kỳ 2006 - 2010) gồm 9 uỷ viên. Đảng uỷ bầu Ban Thường vụ gồm 3 uỷ viên, đồng chí Đinh Duy Hải được bầu làm Bí thư Đảng uỷ, Đồng chí Đinh Văn Bợ được bầu làm Phó bí thư thường trực Đảng ủy, đồng chí Đinh Thúc Chiến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã được bầu làm Phó bí thư Đảng uỷ.

Nhờ sự quyết tâm nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân trong xã, nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội mà đại hội Đảng bộ xã lần thứ 22 đề ra đã đạt và vượt. Tổng sản lượng lương thực bình quân 5 năm đạt 1350 tấn/năm, đạt 100% kế hoạch đại hội đề ra. Bình quân lương thực đầu người đạt 460 kg/người/năm. Bình quân thu nhập giá trị sản phẩm 1 ha canh tác đạt 23 triệu đồng, vượt 7 triệu đồng so với mục tiêu đại hội lần thứ 22 đề ra (16 triệu đồng/ha). Tốc độ tăng trưởng lâm nghiệp vườn đồi 8%, dịch vụ thương mại 12% năm. Nét nổi bật trong 5 năm là bố trí tương đối hợp lý về cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, đã góp phần vào việc giữ vững an ninh lương thực và có nhiều sản phẩm hàng hoá.

         Sản xuất lương thực tiếp tục được mùa, đạt đỉnh cao về diện tích, năng xuất, sản lượng. Năm 2008 năng suất đạt 42 tạ/ha. Năm 2009 diện tích gieo trồng cả năm đạt 782 ha. Mặc dù bị ảnh hưởng của đợt lũ quét (5/2009) song tổng sản lượng lương thực vẫn đạt 1350 tấn, tăng 115 tấn so với năm 2004 (Tổng sản lượng lương thực năm 2004 là 1235 tấn). Diện tích trồng mía trong 5 năm tăng nhanh, bình quân mỗi năm tăng 20 ha, đến năm 2010 diện tích cây mía là 140 ha, năng suất bình quân 60 tấn/ha sản lượng đạt 7800 tấn.

         Chăn nuôi phát triển đa dạng và chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hoá. Đàn trâu bò phát triển ổn định. Phong trào nuôi hươu, nhím, dê, ong mật được phát huy, mở ra hướng đi mới ở địa phương về phát triển các loại con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao.

         Hoạt động dịch vụ có bước phát triển mới, các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng hơn trước. Dịch vụ vận tải hàng hoá được đầu tư phát triển nhanh, một số điểm bán hàng, dịch vụ nhà nghỉ phục vụ khách du lịch đang hình thành và phát triển làm cho thị trường hàng hoá ngày càng sôi động hơn góp phần phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.

         Thuỷ lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp và tu bổ thường xuyên như đập chứa nước Đồng Viềng, đập Bãi Dốc, mương dẫn nước ở các thôn đảm bảo lượng nước tưới hàng năm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Giao thông nông thôn được tu bổ nâng cấp thường xuyên, đầu tư, nâng cấp 10 km đường nền cứng trong đó 7 km đường bê tông, 1 km đường nhựa. Công tác giáo dục đào tạo, trang thiết bị cơ sở vật chất được tăng cường. Năm học 2005 - 2006 trường trung học cơ sở Cúc Phương chuyển đến địa điểm mới, xây dựng 8 phòng học cao tầng, nhà công vụ cho giáo viên, khuôn viên nhà trường được quy hoạch, từng bước xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vào năm học 2010 - 2011. Trường Tiểu học Cúc Phương đã được đầu tư xây dựng, kiên cố hoá, tỷ lệ các cháu trong độ tuổi đến trường đạt 100%, đội ngũ giáo viên được chuẩn hoá theo quy định. Trường Tiểu học Cúc Phương được công nhận đạt trường chuẩn quốc gia năm 2008.

         Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, làng văn hoá, cơ quan, trường học văn hoá có chuyển biến rõ nét. Năm 2009 toàn xã có 320 gia đình được công nhận là gia đình văn hoá, 1 làng văn hoá, 4 cơ quan văn hoá, 3 khu dân cư được công nhận là khu dân cư tiên tiến.

         Ngày 15 tháng 10 năm 2007 Tỉnh uỷ Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 10- NQ/TU về công tác giảm nghèo đến năm 2010. Thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh uỷ, Đề án số 15 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, sự chỉ đạo của Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Nho Quan. Đảng uỷ chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo xã Cúc Phương đến năm 2010 trên cơ sở xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã lần thứ 22 đề ra. Sau 3 năm thực hiện kế hoạch (từ năm 2008 – 2010) cùng với sự hỗ trợ chương trình 135 của Chính phủ, của tỉnh, huyện và huy động các nguồn lực tập trung trong công tác xoá đói giảm nghèo ở Cúc Phương, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống từ 31,6% năm 2005  còn 13,6% năm 2009.

         Thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh, tích cực triển khai kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc hoàn thành diễn tập tác chiến trị an (LX08). Công tác huấn luyện dân quân tự vệ hằng năm được trú trọng đảm bảo về số lượng và chất lượng. Thanh niên lên đường nhập ngũ hằng năm đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu giao quân. Công tác xây dựng lực lượng công an xã được đảm bảo, thường xuyên củng cố, kiện toàn lực lượng công an viên, triển khai thực hiện pháp lệnh công an xã và Nghị định số 73/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh công an xã.

         Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt được Đảng uỷ tập trung chỉ đạo, thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tổ chức, công tác kiểm tra, nâng cao chất lượng chi bộ, đảng viên. Đảng uỷ xã Cúc Phương tổ chức phát động trong toàn Đảng bộ thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Bí thư TW đảng (khoá IX) phát động. Hằng năm có 95% đảng viên trong đảng bộ đăng ký phấn đấu thực hiện và viết bản thu hoạch sau mỗi đợt học tập.

         Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện uỷ Nho Quan về việc thành lập Chi bộ cơ quan, ngày 02 tháng 5 năm 2008 Ban Thường vụ Đảng uỷ ra Quyết định thành lập Chi bộ cơ quan xã Cúc Phương gồm 11 đồng chí, chỉ định Chi uỷ Chi bộ gồm 3 đồng chí. Ngày 29 tháng 5 năm 2008 Chi bộ cơ quan xã Cúc Phương tổ chức Đại hội lần thứ nhất bầu Ban chi uỷ gồm 3 đồng chí, đồng chí Đinh Văn Bợ phó bí thư thường trực Đảng uỷ được bầu làm Bí thư Chi bộ.

 

         Thực hiện chủ trương xoá chi bộ ghép và thôn trắng đảng viên của Huyện uỷ Nho Quan, ngày 01 tháng 7 năm 2009 Ban Thường vụ Đảng uỷ ra Quyết định tách Chi bộ Sấm 2+3 thành 2 chi bộ theo địa bàn Thôn, Chi bộ thôn Sấm 2 và Chi bộ thôn Sấm 3, nâng tổng số từ 13 chi bộ năm 2005 lên 15 chi bộ năm 2009 (10 chi bộ thôn, 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ làng Công Nhân, 1 chi bộ cơ quan). Số lượng đảng viên năm 2005 là 120 đồng chí, đến năm 2010 số lượng đảng viên là 138 đồng chí, trong đó kết nạp đảng viên mới từ năm 2006 đến năm 2010 là 32 đồng chí.

         Phấn khởi trước những thành tích đạt được trong năm 2009 chào mừng Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2010 - 2015), Đảng bộ và nhân dân Cúc Phương hăng hái bước vào giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh./.

KẾT LUẬN

Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, dưới ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, đời sống nhân dân xã Cúc Phương vô cùng khổ cực, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, hằng năm lương thực chỉ đủ ăn khoảng 1 đến 2 tháng còn lại hoàn toàn dựa vào rừng núi để kiếm sống. Đầu năm 1942 ánh sáng cách mạng chiếu dọi đến Cúc Phương xây dựng các tổ chức cách mạng, thành lập Chi bộ ghép 3 xã Cúc Phương, Văn Phương, Kỳ Phú. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Bát Cô, nhân dân xã Cúc Phương đã đoàn kết vùng lên làm cuộc đấu tranh cách mạng, đánh đuổi đế quốc, lật đổ chế độ phong kiến, giành chính quyền thắng lợi tháng 8 năm 1945.

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ và huyện bộ Việt Minh huyện Nho Quan, phong trào cách mạng ở xã Cúc Phương tiếp tục được củng cố và phát triển. Chính quyền cách mạng, tổ chức Việt Minh, các đoàn thể quần chúng được thành lập, thu hút lực lượng toàn dân tham gia xây dựng, bảo vệ thành quả cách mạng trong hoàn cảnh và điều kiện muôn vàn khó khăn “Nghìn cân treo sợi tóc” để hoàn thành nhiệm vụ diệt giặc đói, giặc dốt và chống thù trong, giặc ngoài.

Trong hoàn cảnh lịch sử còn gặp nhiều khó khăn đó đòi hỏi phải thành lập tổ chức Đảng, lãnh đạo phong trào cách mạng ở từng địa phương, cuối năm 1947 Chi bộ đảng xã Cúc Phương được thành lập (gồm 3 đồng chí) trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đầy gian khổ, Chi bộ đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng làng xã kháng chiến, trụ bám địa bàn. Nhiều lần địch càn quét vào xã nhưng đều bị quân dân Cúc Phương chặn đánh không cho địch vượt qua dốc Quèn Thạch. Nhân dân xã Cúc Phương giúp đỡ đồng bào tản cư vào nơi an toàn, dành nhà cửa cho Nhà nước và Quân đội làm kho tàng, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hoà bình lập lại ở miền Bắc, nhân dân xã Cúc Phương dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Đảng bộ xã, phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, khắc phục khó khăn tiến hành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, hoàn thành cải cách ruộng đất, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tín dụng góp phần đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong những năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, quân dân xã Cúc Phương vừa sản xuất, vừa chiến đấu với nhiều phong trào thi đua yêu nước “Ba sãn sàng” của thanh niên, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ, “Hai tốt” của ngành giáo dục, “Ba chăm lo” của phụ lão, “Nghìn việc tốt” của thiếu nhi. Bảo vệ thành quả cách mạng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc. Đóng góp chi viện cho miền Nam 135 lượt thanh niên lên đường nhập ngũ.

Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc Nam xum họp một nhà, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng bộ và nhân dân Cúc Phương vững tin vào đường lối cách mạng và sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đoàn kết phấn đấu tiến lên giành nhiều thắng lợi. Những thành tựu kinh tế - xã hội sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986-2010) là điều kiện thuận lợi để Đảng bộ và nhân dân Cúc Phương tiếp tục hoàn thành thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.

Gần 60 năm lịch sử đấu tranh cách mạng, Đảng bộ xã Cúc Phương để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cách mạng đó là:

1. Chi bộ - Đảng bộ xã Cúc Phương thường xuyên đẩy mạng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền giác ngộ vận động tập hợp nhân dân tham gia phong trào cách mạng. Thực hiện nghiêm túc và vận dụng sáng tạo chủ trương chính sách của Đảng – Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đề ra giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ đấu tranh cách mạng sát với thực tế trong kháng chiến và xây dựng bảo vệ tổ quốc đạt hiệu quả cao. Đảng bộ luôn luôn quan tâm chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng xây dựng bộ máy cán bộ, củng cố tổ chức, nâng cao vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm lôi cuốn quần chúng hưởng ứng ủng hộ phong trào cách mạng dành thắng lợi.

2. Đảng bộ thường xuyên chú trọng công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục giác ngộ cách mạng cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

3. Đảng bộ Cúc Phương đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ở điạ phương. Công tác đảng viên thường xuyên được coi trọng và không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ ngày thành lập Chi bộ năm 1947 có 3 đảng viên, đến năm 2010 Đảng bộ có 15 chi bộ, 138 đảng viên. Tổ chức chính quyền hoàn thành chức năng nhiệm vụ quản lý xã hội và quản lý kinh tế, phát huy vai trò chính quyền cách mạng, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Các đoàn thể quần chúng luôn làm tốt công tác vận động đoàn viên hội viên hăng hái tham gia các phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Chặng đường đấu tranh cách mạng hơn nửa thế kỷ qua, với truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân xã Cúc Phương, mỗi cán bộ đảng viên và nhân dân trong xã có quyền tự hào về những thành quả cách mạng đã giành được, ra sức thi đua phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

 

PHỤ LỤC

  1. CÁC KỲ ĐẠI HỘI CHI BỘ, ĐẢNG BỘ XÃ CÚC PHƯƠNG

 

TT

Kỳ

ĐH

Thời gian

Địa điểm

Đại biểu dự Đại hội

Bầu cấp uỷ

 

 

Ghi chú

Số lượng

Bí thư

 

10/1947

Thôn Nga

03

 

Đinh Công Sang

Thành lập chi bộ Phú Vinh

I

12/1948

 

12

 

Đinh Văn Mậu

Chi bộ

Phú Vinh

II

5/1949

 

 

 

Hoàng Văn Niêm

Chi bộ

 Quang Trung

III

12/1953

 

 

03

Đinh Văn Mậu

Chi bộ

Vinh Quang

IV

4/1957

 

 

 

Đinh Thị Em

Chi bộ

Vinh Quang

V

10/1960

Thôn Đang

42

7

Đinh Minh Tởi

Đảng bộ

Vinh Quang

VI

5/1963

 

 

7

Đinh Công Tẩn

Đảng bộ

Vinh Quang

VII

3/1965

 

 

7

Đinh Trí Thuật

Đảng bộ

Vinh Quang

VIII

8/1967

 

 

7

Đinh Ngọc Hoàn

Đảng bộ

 Cúc Phương

IX

10/1969

 

 

7

Đinh Văn Ngọc

Đảng bộ

 Cúc Phương

X

7/1972

 

 

7

Bùi Văn Thân

Đảng bộ

 Cúc Phương

XI

1974

 

 

9

Bùi Văn Thân

Đảng bộ

Cúc Phương

XII

10/1976

Thôn Đang

56

9

Đinh Minh Tởi

Đảng bộ

Cúc Phương

XIII

9/1978

 

 

9

Đinh Khoa Thi

Đảng bộ

Cúc Phương

XIV

10/1982

Thôn Đăn

 

09

Đinh Công Khôn

Đảng bộ

Cúc Phương

XV

11/1984

Hội trường trường TH Lâm Nghiệp

 

09

Đinh Công Khôn

Đảng bộ

Cúc Phương

XVI

8/1986

Hội trường UBND xã

 

09

Đinh Công Khôn

Đảng bộ

 Cúc Phương

XVII

1988

 

 

09

Đinh Công Khôn

Đảng bộ

Cúc Phương

XVIII

3/1991

Hội trường UBND xã

 

09

Đinh Công Khôn

Đảng bộ

Cúc Phương

XIX

11/1993

Hội trường UBND xã

 

09

Đinh Văn Nhinh

Đảng bộ

Cúc Phương

XX

9/9/1995

Hội trường UBND xã

 

09

Đinh Văn Nhinh

Đảng bộ

 Cúc Phương

XXI

29/9/2000

Hội trường UBND xã

63

09

Đinh Văn Nhinh

Đảng bộ

 Cúc Phương

XXII

24/8/2005

Hội trường UBND xã

 

09

Đinh Duy Hải

Đảng bộ

Cúc Phương

2. DANH SÁCH BÍ THƯ CHI BỘ XÃ, ĐẢNG BỘ XÃ (1947 – 2010)

 TT

Họ Và Tên

Thời gian

Ghi chú

1

Đinh Công Sang

10/1947 - 11/1948

Chi bộ Phú Vinh

2

Đinh Văn Mậu

12/1948 - 4/1949

12/1953 - 3/1957

Chi bộ Phú Vinh

Chi bộ Vinh Quang

3

Hoàng Văn Niêm              

     5/1949 – 11/1953

 

Chi bộ Quang Trung

4

Đinh Thị Em

4/1957 - 9/1958

 

Chi bộ Vinh Quang

5

Đinh Minh Tởi

10/1958 - 9/1960

10/1960 - 5/1963

10/1976 – 8/1978

Chi bộ Vinh Quang

Đảng bộ Vinh Quang

Đảng bộ Cúc Phương

6

Đinh Công Tẩn

6/1963 - 2/1965

Đảng bộ Vinh Quang

 

7

Đinh Trí Thuật

3/1965 - 7/1967

Đảng bộ Cúc Phương

 

8

Đinh Ngọc Hoàn

8/1967 - 9/1968

Đảng bộ Cúc Phương

 

9

Đinh Văn Chiên

10/1968 - 9/1969

Đảng bộ Cúc Phương

 

10

Đinh Văn Ngọc

10/1969 - 6/1972

Đảng bộ Cúc Phương

 

11

Bùi Văn Thân

7/1972 – 9/1976

Đảng bộ Cúc Phương

 

12

Đinh Khoa Thi

9/1978 – 9/1982

Đảng bộ Cúc Phương

 

13

Đinh Công Khôn                

10/1982 – 11/1993

Đảng bộ Cúc Phương

 

14

Đinh Văn Nhinh                 

12/1993 – 8/2005

Đảng bộ Cúc Phương

 

15

Đinh Duy Hải    

                

9/2005 - đến nay

Đảng bộ xã Cúc Phương

             

3. DANH SÁCH CHỦ TỊCH UBND, UBHC, UBKC, UBKCHC XÃ (1945 – 2010).

 

TT

HỌ VÀ TÊN

 

THỜI GIAN

GHI CHÚ

1

Đinh Văn Mịch

 

8/1945 – 11/1945

UBNDCMLT xã Cúc Phương

2

Đinh Quý Khang

 

12/1945 – 2/1946

UBNDCMLT xã Phú Vinh

3

Đinh Văn Mưu

3/1946 – 12/1949

UBHC, UBHCKC, UBKCHC xã Phú Vinh

4

Đinh Văn Viết

 

1/1950 – 11/1953

UBKCHC xã Quang Trung

5

Đinh Văn Tiếp

11/1953 – 10/1955

5/1957 – 8/1958

UBKCHC xã Vinh Quang UBHC xã Vinh Quang

6

Đinh Văn Dịch

 

11/1955 – 4/1957

UBHC xã Vinh Quang

7

Đinh Ngọc Hoàn

 

9/1958 – 9/1959

UBHC xã Vinh Quang

8

Đinh Văn Ngọc

 

10/1959 – 10/1965

UBHC xã Vinh Quang

9

Đinh Minh Tởi

11/1965 – 10/1969

12/1971 – 7/1976

UBHC xã Cúc Pnương

UBHC xã Cúc Phương

10

Bùi Văn Thân

11/1969 – 11/1971

10/1978 – 8/1982

UBHC xã Cúc Phương

UBND xã Cúc Phương

11

Đinh Khoa Thi

8/1976 – 9/1978

9/1982 – 10/1984

UBND xã Cúc Phương

UBND xã Cúc Phương

12

Đinh Công Tự

 

11/1984 – 10/1989

UBND xã Cúc Phương

13

Đinh Duy Hải

 

11/1989 – 4/2004

UBND xã Cúc Phương

14

Đinh Thúc Chiến

 

5/2004 - đến nay

UBND xã Cúc Phươn

 

4. NHỮNG GIA ĐÌNH CÓ CÔNG ĐƯỢCCHỦ TỊCH NƯỚC VÀ CHÍNH PHỦ TẶNG THƯỞNG.

 

STT

GIA ĐÌNH

DANH HIỆU ĐƯỢC TRAO TẶNG

01

Đinh Thị Vộc

Bằng gia đình có công với cách mạng trong kháng chiến chống Pháp.

02

Đinh Thị Dâu

Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

03

Đinh Thị Mửng

Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

04

Đinh Thị Đuốn

Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

05

Đinh Thị Phích

Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

06

Đinh Thị Xuyên

Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

07

Đinh Thị Lóc

Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

08

Đinh Thị Dung

Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

09

Đinh Thị Lịch

Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

10

Quách Thị Tất

Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

11

Bùi Thị én

Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

12

Đinh Thị Tước

Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

13

Đinh Thị Mỹ

Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

14

Đinh Thị Phi

Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

 

5. DANH SÁCH CÁC LIỆT SỸ TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN

STT

HỌ VÀ TÊN

NƠI SINH

LIỆT SỸ THỜI KỲ

01

Đinh Văn Lung   

Thôn Bống

Liệt sỹ Chống Pháp

02

Đinh Văn Chuyên

Thôn Bống

Liệt sỹ Chống Mỹ

03

Đinh Văn Chức

Thôn Nga

Liệt sỹ Chống Mỹ

04

Đinh Văn Quăm

Thôn Nga

Liệt sỹ Chống Mỹ

05

Bùi Văn Phú

Thôn Nga

Liệt sỹ Chống Mỹ

06

Nguyễn Văn Đạt

Thôn Nga

Liệt sỹ Chống Mỹ

07

Đinh Văn Bến

Thôn Nga

Liệt sỹ Chống Mỹ

08

Đinh Văn Ngần

Thôn Nga

Liệt sỹ Chống Mỹ

09

Đinh Văn Xá

Thôn Bống

Liệt sỹ Chống Mỹ

10

Đinh Văn Tân

Thôn Bống

Liệt sỹ Chống Mỹ

11

Đinh Văn Buôn

Thôn Đồng Cơn

Liệt sỹ Chống Mỹ

12

Đinh Văn Yêu

Thôn Sấm

Liệt sỹ Chống Mỹ

13

Đinh Văn Ngãi

Thôn Sấm

Liệt sỹ Chống Mỹ

14

Đinh Văn Vui

Thôn Sấm

Liệt sỹ Chống Mỹ

15

Bùi Văn Tiến

Thôn Nga

Liệt sỹ Chống Mỹ

 

6. DANH SÁCH NHỮNG CÁN BỘ HOẠT ĐỘNG LÂU NĂM CÓ CÔNG VỚI XÃ ĐƯỢC NGHỈ CHÊ ĐỘ.

 

STT

      HỌ VÀ TÊN

  CHỨC VỤ TRƯỚC KHI NGHỈ CHẾ ĐỘ

1

Đinh Văn Tám

     Chủ tịch mặt trận xã

2

Đinh Văn Sán

    Trưởng công an xã

3

Đinh Trí Thuật

    Thường vụ Đảng uỷ

4

Đinh Văn Hạo

    Trạm trưởng bưu điện xã

5

Đinh Minh Tởi

    Bí thư Đảng uỷ

6

Đinh Hữu Nghĩa

    Trưởng ban bổ túc xã

7

Đinh Văn Lộc

    Trưởng ban văn hoá xã

8

Đinh Hồng Cờ

    Phó chủ tịch UBND xã

9

Đinh Khoa Thi

    Chủ tịch UBND xã

10

Đinh Công Lý

    Uỷ viên thư ký UBND xã

11

Đinh Thị Em

    Bí thư hội phụ nữ xã

12

Đinh Ngọc Hoàn

    Phó chủ tịch UBND xã

13

Đinh Văn Ngọc

   Thường vụ Đảng uỷ xã

14

Đinh Văn Chiên

   Xã đội trưởng

15

Bùi Văn Thân

   Chủ tịch UBND xã

16

Đinh Văn Đăng

   Xã đội trưởng

17

Đinh Văn Quản

   Thường vụ Đảng uỷ

18

Đinh Văn Tỵ

   Trưởng công an xã

19

Đinh Văn Cử

   Chủ tịch hội nông dân xã

20

Đinh Văn Định

   Thống kê, kế hoạch xã

21

Đinh Văn Đoán

   Xã đội phó

22

Đinh Văn Xuân

   Trạm trưởng y tế xã

23

Đinh Văn Long

   Phó chủ tịch UBND xã

24

Đinh Công Khôn

   Bí thư Đảng uỷ xã

25

Đinh Văn Nhinh

   Bí thư Đảng uỷ xã

 

       


Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH XÃ CÚC PHƯƠNG
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6
Hôm qua : 15