CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ CÚC PHƯƠNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số: Từ thực tiễn ở huyện Nho Quan

Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh và thực hiện đúng quan điểm của Đảng về công tác cán bộ-“Cán bộ là gốc của mọi công việc”; ghi nhớ lời dạy của Bác phải “Ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ địa phương, cán bộ dân tộc. Dù lúc đầu cán bộ địa phương, dân tộc trình độ thấp, kinh nghiệm ít, công tác chưa tốt, cán bộ lãnh đạo phải dìu dắt họ, giúp đỡ họ, lâu ngày chắc chắn họ sẽ tiến bộ”, thời gian qua, huyện Nho Quan luôn chú trọng và đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực tế cho thấy sự quan tâm, cách làm đúng đắn đã mang lại hiệu quả, nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số phát huy tốt vai trò của mình, trưởng thành và được đồng bào tin yêu, mến phục.

Kỳ I: Khẳng định vai trò cán bộ là người dân tộc thiểu số

Về Nho Quan trong những ngày đầu tháng 10, chúng tôi đến Kỳ Phú, một xã vùng cao của huyện Nho Quan với hơn 80% là đồng bào dân tộc Mường. Kỳ Phú hôm nay đã không còn những ngôi nhà gỗ, nhà lá thấp lè tè mà thay vào đó là những ngôi nhà kiên cố, khang trang, nhà nào cũng có ti vi, xe máy... Trong câu chuyện với người dân nơi đây, chúng tôi nhiều lần nghe họ nhắc đến Chủ tịch xã Vũ Đình Lâm, một cán bộ đã có nhiều sáng kiến, vận dụng chính sách chăm lo sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.

Với tôi, Vũ Đình Lâm không phải người xa lạ. Biết anh cách đây hơn 10 năm, khi đó bản Xanh được lựa chọn để xây dựng “Làng văn hoá cấp tỉnh”. Vũ Đình Lâm với vai trò là Bí thư Chi bộ đã trực tiếp đến vận động từng gia đình trong bản thực hiện nếp sống văn hoá mới, thực hiện hương ước, quy ước của bản, đăng ký xây dựng gia đình văn hoá. Song song với đó anh vận động bà con phát triển kinh tế, không phá rừng làm nương, đời sống của người dân nơi đây cũng nhờ đó mà dần thay đổi... Năm 2011, bản Xanh là một trong những đơn vị đầu tiên được UBND tỉnh công nhận là “Làng văn hóa cấp tỉnh”.

Sau thời gian công tác ở bản Xanh, Vũ Đình Lâm chuyển lên UBND xã và năm 2015 anh được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú. Gặp lại anh, tôi vẫn thấy hình ảnh một cán bộ, đảng viên người dân tộc Mường năng nổ, luôn sâu sát, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân. Anh chia sẻ: “Tôi sinh ra tại địa phương, cũng là người dân tộc Mường nên hơn ai hết tôi hiểu bà con muốn gì và cần gì”. Sự thấu hiểu ấy đã giúp Chủ tịch xã Vũ Đình Lâm và tập thể lãnh đạo xã Kỳ Phú thực hiện hiệu quả những chính sách phát triển kinh tế- xã hội, chính sách dân tộc, miền núi của Đảng, Nhà nước, cùng đồng bào vượt lên khó khăn, xây dựng đời sống ấm no. Xã Kỳ Phú từ chỗ “Mong người dân không ăn hết lúa giống” bây giờ đã thay da đổi thịt, năng suất lúa bình quân toàn xã đã đạt trên 41 tạ/ha; người dân không chỉ canh tác cây trồng, con nuôi truyền thống như lúa, ngô, sắn, lạc, nuôi trâu, bò mà chuyển hướng sang nông nghiệp hàng hóa với các cây, con đặc sản như nuôi dê, ong, hươu, trồng lúa nếp cau. Đặc biệt xã rất coi trọng đầu tư cho công tác giáo dục. Đến nay tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường của xã đã đạt 100%, không còn học sinh bỏ học; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%; tỷ lệ học sinh THPT sau khi tốt nghiệp đi học các trường cao đẳng, đại học đạt trên 50%...

Cũng trong dịp này, về xã vùng cao Cúc Phương tìm hiểu được biết xã hiện có 19/21 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số; trong đó 5/5 đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã là người dân tộc Mường. Xã có 14 chi bộ thì 11/14 Bí thư chi bộ các thôn, bản là người dân tộc thiểu số. Hầu hết những cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số của xã Cúc Phương đã phát huy được năng lực, sở trường trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bí thư Đảng ủy xã Cúc Phương Đinh Thị Văn chia sẻ: Với gần 90% dân số là người dân tộc Mường, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số tại địa phương. Nhờ có đội ngũ cán bộ là người Mường bám bản, hiểu dân nên quá trình triển khai các chủ trương, chính sách tới đồng bào có nhiều thuận lợi; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những bức xúc, kiến nghị của người dân cũng được triển khai kịp thời… Đặc biệt là trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số đã làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, nêu gương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy thế mạnh điều kiện tự nhiên núi đồi để phát triển con nuôi đặc sản. Có thể kể đến là Chủ tịch xã Cúc Phương Đinh Văn Xuân; cán bộ phụ trách tài chính xã Đinh Văn Tuyên và nhiều đồng chí khác ngay từ khi là cán bộ cơ sở, đoàn thể địa phương đến nay đã nêu gương dám nghĩ, dám làm, phát triển mô hình kinh tế như nuôi hươu, ong, dê; trồng mía, lạc, sắn, cây ăn quả...

Noi gương cán bộ, nhiều hộ dân trong xã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... mang lại hiệu quả tốt. Bình quân thu nhập đầu người năm 2018 của xã đạt 24 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,55%, giảm nhiều so với những năm trước...

Thực tế trên đã khẳng định vai trò quan trọng của những cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đồng thời cũng minh chứng cho việc học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Để miền núi phát triển, trước hết là đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội miền núi, và sự nghiệp này phải do chính người miền núi làm nòng cốt.

Bài, ảnh: Phúc Nguyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nông thôn mới xã Cúc Phương
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 11
Hôm qua : 68