CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ CÚC PHƯƠNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nho Quan: Chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc

5 năm qua, huyện Nho Quan tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh về giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các công trình dân sinh như điện, đường, trường, trạm, nước sạch, nhà văn hóa thôn, bản được đầu tư, giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo nên diện mạo mới cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Gia đình chị Bùi Thị ánh Tuyết, bản Ao Lươn, xã Kỳ Phú (Nho Quan) phát triển kinh tế từ chăn nuôi.
Gia đình chị Bùi Thị ánh Tuyết, bản Ao Lươn, xã Kỳ Phú (Nho Quan) phát triển kinh tế từ chăn nuôi.

 

Đến hộ gia đình chị Bùi Thị ánh Tuyết ở bản Ao Lươn, xã Kỳ Phú, chúng tôi thấy rõ sự đổi thay của gia đình đồng bào dân tộc Mường đã thoát nghèo cách đây 2 năm. Chị Tuyết cho biết: Trước năm 2016, gia đình tôi là hộ nghèo của xã. Trăn trở thoát nghèo, năm 2016 gia đình đã quyết định nuôi các con nuôi phù hợp, đầu tư con nuôi đặc sản như hươu, bò, trâu; ngoài vay mượn anh em, gia đình được các đoàn thể xã cho vay theo chương trình giảm nghèo. Sau 1 năm, gia đình tôi đã thoát nghèo. Đến nay, tôi duy trì nuôi 5 con hươu, 3 cặp bò, 2 con trâu, kết hợp trồng 1,5ha mía, sắn, keo, nhờ đó kinh tế gia đình khá ổn định, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Gia đình tôi đã xây được ngôi nhà khang trang, kiên cố.

Đồng chí Vũ Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cho biết: Là xã vùng cao của huyện Nho Quan, xã Kỳ Phú có trên 80% đồng bào dân tộc Mường. Những năm qua, thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ, xã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ con nuôi, giống, vốn cho hộ dân phát triển kinh tế. Thuận lợi của Kỳ Phú là đất đai rộng nên xã tập trung phát triển kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp kết hợp với chăn nuôi đại gia súc như: trâu, bò, hươu, nai, ong, trong đó tập trung nuôi hươu, nai; chuyển đổi diện tích khó khăn về nước sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn dây… cho thu nhập cao. Xã có 13 mô hình gia trại cho hiệu quả kinh tế cao. Từ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của Trung ương, tỉnh, huyện cùng sự nỗ lực của nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo của xã ngày càng giảm. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 28%, đến nay còn 6,83% theo tiêu chí đa chiều.

Nho Quan là huyện miền núi của tỉnh, trong đó hộ dân tộc thiểu số là 7.836 hộ với 27.993 người, chiếm 17% dân số trong toàn huyện, với 98% dân tộc Mường tập trung chủ yếu ở 8/27 xã, thị trấn của huyện, gồm các xã: Thạch Bình, Cúc Phương, Yên Quang, Văn Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Xích Thổ.

Từ năm 2014-2019, toàn huyện đã huy động vốn đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số ước đạt 82,04 tỷ đồng (chủ yếu là nguồn vốn từ Chương trình 135 của Chính phủ). Nhiều công trình hạ tầng quan trọng đã và đang được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới. 100% xã có đường giao thông kiên cố từ trung tâm xã đến tất cả thôn, bản; 70% số xã có đường giao thông đạt chuẩn; 75% số thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 80% xã có trạm y tế xã đạt chuẩn; 100% số xã và số hộ dân là người dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 70% số hộ được dùng nước sạch; 90% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh; trên 87% xã có công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ sản xuất cho 96% diện tích đất nông nghiệp. Toàn huyện có 38 hồ chứa nước lớn và nhỏ, trong đó có 6 hồ dung tích từ 1,5 -3 triệu m3 nước. Hầu hết các hồ đã được đầu tư nâng cấp trong những năm gần đây và kênh mương tưới tiêu cơ bản đáp ứng năng lực tưới tiêu, phục vụ canh tác. Dịch vụ tài chính, ngân hàng được hình thành và phát triển đến 100% số xã; hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin được đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 100% số xã có điểm bưu điện văn hoá xã; phủ sóng điện thoại di động đến tất cả các xã.

Bên cạnh đó, các chính sách đặc thù vùng dân tộc như: Chương trình 135; Dự án ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách đối với người có uy tín vùng dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện nghiêm túc. Đã đầu tư xây dựng 102 công trình, trong đó: 7 công trình hoàn thành; 22 công trình chuyển tiếp; 73 công trình khởi công mới (2 công trình y tế; 14 công trình giáo dục, 58 công trình đường giao thông nông thôn, 25 công trình nhà văn hóa, 1 công trình thủy lợi, 2 công trình trụ sở UBND xã) với tổng kinh phí 61.113 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 trong giai đoạn 2014-2019. Từ năm 2014 đến nay đã tổ chức các lớp dạy nghề cho 450 người; giải quyết việc làm cho 3.670 lao động; giải quyết cho 8.991 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng vốn vay 183,7 tỷ đồng; tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số có nơi ở ổn định, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được cán bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia. Nhiều phong trào được triển khai như: Phong trào “Xây dựng hố xử lý rác ở mỗi gia đình”, “Chỉnh trang, xây dựng nhà ở, cổng, tường rào”; “Hiến đất mở rộng nền đường giao thông”. Đồng bào đã huy động hàng chục ngàn ngày công, hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn; cải tạo, xây dựng nhiều nhà văn hoá thôn, phòng học, trạm y tế xã; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao. Đến nay đã có 2/8 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống về đích nông thôn mới (xã Yên Quang và xã Xích Thổ.

Phong trào thi đua phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, giá trị sản phẩm được nâng lên. Phát huy lợi thế vùng đồi núi, đồng bào dân tộc đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò và con nuôi có giá trị kinh tế cao như ong, hươu, dê, gà thả vườn, góp phần đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số có những chuyển biến rõ rệt; hộ khá, hộ giàu tăng lên; tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số của huyện còn 6,28% (giảm 5,1% so với năm 2013), bình quân giảm 2,27%/năm.

Bài, ảnh: Hồng Vân


Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nông thôn mới xã Cúc Phương
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 20
Hôm qua : 46