CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ CÚC PHƯƠNG
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người nỗ lực bảo tồn hát giao duyên tiếng Mường

Để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường, trong đó có hát giao duyên tiếng Mường, những năm qua, chị Bùi Thị Ân, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát giao duyên tiếng Mường thôn Bãi Cả, xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) đã luôn nỗ lực cùng hội viên phụ nữ xã giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc. Chị cùng các thành viên CLB đã đưa tiếng hát giao duyên dân tộc Mường ngày càng gần gũi với đời sống đương đại. CLB hát giao duyên tiếng Mường thôn Bãi Cả đã đạt giải B tại Liên hoan các CLB nghệ thuật không chuyên tỉnh Ninh Bình năm 2019.

 

Người nỗ lực bảo tồn hát giao duyên tiếng Mường

                                                                Giao lưu CLB hát giao duyên tiếng Mường (Cúc Phương). Ảnh: Minh Quang

Sinh năm 1965, chị Bùi Thị Ân đã có 33 năm tham gia công tác Hội phụ nữ và 25 năm là cộng tác viên dân số. Chị Ân cho biết: Thôn Bãi Cả có 95% người dân tộc Mường. Với đặc thù phụ nữ vùng cao, đa phần chị em làm nông nghiệp và đi làm các khu công nghiệp nên việc tập hợp phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội cũng như sinh hoạt văn hóa, văn nghệ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của thôn còn khó khăn. Nhận thấy việc đẩy mạnh phong trào của địa phương, của chi hội phải xuất phát từ việc thu hút được sự tham gia của chị em phụ nữ thôn.

Năm 2016, Chi hội phụ nữ thôn Bãi Cả đã xây dựng mô hình "Chi hội thu hút 100% phụ nữ dân tộc Mường tham gia sinh hoạt Hội". Đến nay, Chi hội có 80 phụ nữ (đạt 100%) phụ nữ sinh hoạt Hội. Từ thành công trong việc tập hợp, thu hút hội viên, Chi hội phụ nữ thôn Bãi Cả đẩy mạnh các hoạt động Hội, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là hát giao duyên tiếng Mường, chị Ân đã tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động, mời gọi phụ nữ thôn cũng như chị em phụ nữ dân tộc Mường tham gia sinh hoạt CLB, bồi đắp thêm ý thức trong việc bảo tồn văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Đến năm 2017, CLB hát giao duyên tiếng Mường thôn Bãi Cả được thành lập, thu hút phụ nữ liên thôn Bãi Cả, thôn Sấm 1, Sấm 2, Sấm 3 tham gia, trong đó, thành viên CLB của Chi hội phụ nữ thôn Bãi Cả có 11 hội viên. 

Từ thành công trong việc thành lập CLB, chị Ân luôn là người truyền lửa cho các thành viên CLB duy trì tập luyện mỗi tháng một lần; tích cực tham gia các cuộc giao lưu văn nghệ với các CLB trong tỉnh, trong huyện và các tỉnh lân cận, mỗi năm từ 5-7 cuộc. Tham gia biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị của địa phương, của huyện, tỉnh và nhân các ngày lễ, Tết. Thông qua các buổi sinh hoạt CLB, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giúp đồng bào dân tộc Mường hiểu rõ những giá trị văn hóa dân tộc mình, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Chị Bùi Thị Ân được thành viên CLB yêu mến và đánh giá cao về nghiệp vụ công tác Hội, đặc biệt về kiến thức trong hát giao duyên tiếng Mường. Theo chị Ân mỗi bài hát giao duyên có thể dài ngắn tùy thuộc vào tình cảm của 2 người hát (1 nam và 1 nữ), gồm phần mời hát, phần xoáy, phần than thở. Hát giao duyên tiếng Mường đòi hỏi người hát phải linh hoạt trong lối hát, cách nhấn nhá câu từ, theo suy nghĩ, tình cảm, tạo câu chuyện giao duyên. 

Không chỉ thành thạo những câu hát giao duyên, chị Ân còn tích cực tham gia bảo tồn điệu hát của dân tộc Mường như hát sắc bùa, bọ mẹng, rằng xường, hát ru, hát đúm, tham gia trò chơi đánh mảng… Chị Ân cùng các thành viên trong CLB có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, khôi phục, truyền dạy cho các thành viên nhiều làn điệu dân ca, bài hát Mường; điệu múa sạp, múa quạt; bảo tồn biểu diễn cồng chiêng; các trò chơi truyền thống; các trang phục áo váy; các lễ hội truyền thống như lễ xuống đồng, lễ cơm mới…

 Bên cạnh đó, chị em trong CLB luôn ý thức được việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, luôn khuyến khích, vận động con, cháu và truyền dạy những điệu múa, bài hát cho thế hệ trẻ nhằm lưu giữ lại nét văn hóa của cha ông. Đồng thời, tích cực tuyên truyền sâu rộng cho quần chúng nhân dân biết và hiểu rõ về các giá trị văn hóa của người Mường nhằm khơi dậy ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc.

Với những thành tích xuất sắc trong các phong trào hoạt động Hội phụ nữ cơ sở, nhất là trong công tác bảo tồn hát giao duyên tiếng Mường, chị Bùi Thị Ân nhiều năm qua được các cấp tặng Bằng khen, Giấy khen. Năm 2006, chị được Hội LHPN Việt Nam tặng kỷ niệm chương "Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam"; Giai đoạn 2011-2016, được Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen cán bộ Hội cơ sở tiêu biểu toàn quốc.

 Chi hội phụ nữ thôn Bãi Cả do chị Ân làm chi hội trưởng, nhiều năm qua luôn được các cấp khen thưởng. Năm 2020, Chi hội phụ nữ thôn Bãi Cả được Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2012-2020.

                                                                                                                                                                                  Hồng Vân (Nguồn: Báo Ninh Bình ĐT)


Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nông thôn mới xã Cúc Phương
Bình chọn
website hoạt động có ổn định
Thời tiết các vùng
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 42
Hôm qua : 46